Nuôi cá lóc trong vèo lưới cho hiệu quả kinh tế cao
Cập nhật lúc:20/06/2019, 12:55
Anh Trần Văn Ẩn ở ấp Bình Tây 1, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An là người đầu tiên của xã này áp dụng mô hình nuôi cá lóc trong vèo lưới mang hiệu quả kinh tế cao và được nhiều người trong xã học tập để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Qua bạn bè, anh Trần Văn Ẩn biết mô hình nuôi cá lóc trong vèo ở tỉnh Đồng Tháp mang hiệu quả, anh đã có suy nghĩ tận dụng ao trong vuông vườn nhà để nuôi thử. Trước khi nuôi, anh Ẩn đã tới Trung tâm Thủy sản Long An tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật nuôi. Sau mùa nước lũ năm 2005, anh Ẩn đến huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) để mua 10.000 con cá giống về thả nuôi thử trong vèo lưới.
Kết quả, sau 5 tháng anh Ẩn thu hoạch được hơn 3 tấn cá thịt, lãi hơn10 triệu đồng. Từ đó, anh tận dụng 1.000 m2 mặt ao có sẵn phát triển lên từ 2 đến 4 vèo, mỗi vèo thả 10.000 con cá giống và mỗi năm anh thả nuôi 2 đợt. Riêng năm 2013, 4 vèo cá của anh Ẩn đã cho thu hoạch gần 24 tấn cá thịt, với giá bán từ 32.000-35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh lãi gần 150 triệu đồng. Cuối tháng 4 vừa qua, anh Ẩn cũng vừa thu hoạch được hơn 12 tấn cá và có lãi gần 80 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh đã thoát nghèo và trở nên giàu có.
Anh Trần Văn Ẩn cho biết: mô hình nuôi cá lóc trong vèo lưới có ưu điểm là không cần diện tích rộng; tận dụng được diện tích mặt nước trong ao mà không cần xây dựng đê bao ngăn lũ, thậm chí có thể khai thác khi lũ về nuôi theo kênh. Về kỹ thuật, vèo lưới được xây dựng hình chữ nhật, đáy vèo đặt cách mặt đất ao khoảng 0,5 m và phải đảm bảo độ sâu 2 m trở lên. Nuôi cá trong vèo có ưu điểm là thả ở mật độ cao, thức ăn tập trung tránh lãng phí dư thừa; cá không chui xuống bùn, khỏe mạnh mau lớn, kích cỡ đều và bán có giá.
Hiện nay, Phòng Nông nghiệp huyện Mộc Hóa đang tổ chức nhân rộng mô hình này ra các xã trong huyện; khuyến khích nông dân tận dụng khai thác mặt ao hồ có sẵn áp dụng mô hình làm vèo bằng lưới nuôi cá lóc mỗi năm 2 đợt hiệu quả gấp10 lần so với nuôi cá trong ao hồ./.
Nuôi cá lóc trong vèo, giai, mùng lưới
Chuẩn bị:
Mỗi vèo rộng khoảng 10 – 30m2, sâu 1,5-2,5m, được làm bằng lưới, hoặc cước 2 lớp, bên ngoài đóng cọc cừ, tràm. Đáy vèo cách đáy ao 50 cm.
Khi nuôi công nghiệp phải làm riêng vèo ương cá giống, vèo nuôi cá con, vèo nuôi cá thịt. Vèo nuôi cá thịt cần có mắt lưới to hơn để nước thông thoáng.
Chọn và thả giống:
Chọn giống khỏe mạnh, không xây xát, kích cỡ đồng nhất. Cá bơi thành đàn có màu đồng nhất.
Cá cái tăng trưởng nhanh hơn cá đực.
Mật độ thả giống: từ 100 – 300 con giống / m2 tùy kích cỡ cá. Khi cá lớn, san dần sang vèo khác, giảm mật độ.
Mật độ nuôi thương phẩm: 20-50 con/m2.
Chăm sóc:
Ngoài thức ăn tự nhiên trong nước, cần cho cá ăn thêm thức ăn tự chế (cá biển, cá tạp, ốc bươu vàng, tấm cám nấu nhừ): khi cá nhỏ thức ăn cần được xay nhuyễn, cá lớn thì thức ăn chỉ cần băm nhỏ vừa miệng cá. Bổ sung vitamin C và men vi sinh vào trong thức ăn để tăng sức đề kháng và khả năng tiêu hóa của cá.
Cá thịt cần lượng thức ăn mỗi ngày 3-8% trọng lượng cá tùy nguồn nước, chất lượng thức ăn, thời tiết.
Cho cá ăn ngày 2 lần: sáng từ 7-8 giờ, chiều từ 4-5 giờ. Có thể cho ăn trên sàn tre đan đặt xâm xấp mặt nước.
Theo kinh nghiệm, Việt Linh nhận thấy khi nuôi cá lóc bằng mồi sống, cần tẩy giun cho cá khi cá lớn; nước dễ bị ô nhiễm, nhiều tảo, cần định kỳ 7 – 10 ngày dùng thuốc diệt ký sinh trùng và men vi sinh để xử lý môi trường nước. Bên ngoài vèo lưới thả thêm các loại cá ăn tạp để tận dụng thức ăn thừa, làm sạch ao.
Khi nuôi công nghiệp và khi nguồn nước bị đục hoặc nhiễm bẩn, cá nhảy hoặc chui rúc vào góc vèo thì cần thay 1 phần nước ao, cấp thêm nước mới vào ao. Treo túi vôi và túi muối trong vèo và đầu nguồn nước vào để phòng bệnh cho cá. Nếu tình trạng nặng, cần xử lý bằng thuốc.
Nuôi công nghiệp nên sử dụng thức ăn viên, loại dành cho cá có vẩy.
Bình luận