Kỹ Thuật nuôi ghép Tôm Cua và Cá Đối Mục trong Vuông Tôm
Cập nhật lúc:20/06/2019, 12:42
Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư (KNKN) đã triển khai thực hiện mô hình “Nuôi cá đối mục trong ao nuôi tôm suy thoái” tại khu thực nghiệm nuôi trồng thủy sản thuộc Khu sinh thái Cồn Chim- đầm Thị Nại (thuộc địa bàn thôn Huỳnh Giản Nam, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước). Mô hình có quy mô mặt nước 5.000 m2 và 1 hộ nuôi, số lượng cá giống được thả nuôi 5.000 con. Ngoài ra, Trung tâm cũng phối hợp với Trạm Khuyến nông Tuy Phước triển khai 1 điểm mô hình tương tự tại xã Phước Sơn.
Cá đối mục là đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, thích nghi tốt với các biến động của môi trường, đồng thời có khả năng làm sạch môi trường, phù hợp với các ao nuôi tôm suy thoái không thể nuôi tôm. Năm 2012, Trung tâm KNKN đã nuôi thử nghiệm tại Phù Cát, bước đầu đạt kết quả khá tốt. Vừa qua, Trung tâm KNKN cũng đã triển khai 2 điểm mô hình tại xã Phước Thuận với quy mô 5.000 m2/điểm, cá đang sinh trưởng và phát triển tốt, tỉ lệ cá nuôi sống đạt hơn 90%, cá phát triển tăng trọng nhanh và hiện nay chưa thấy phát sinh dịch bệnh.
Việc thực hiện thành công mô hình “Nuôi cá đối mục trong ao nuôi tôm suy thoái” mở ra hướng phát triển đối tượng nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao trong nuôi trồng thủy sản, góp phần cải thiện môi trường ao nuôi tôm bị suy thoái; đồng thời có thể xem như có thêm đối tượng nuôi mới bổ sung cho mô hình nuôi tổng hợp tôm-cua-cá, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, đảm bảo tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản ở các vùng nuôi tại Bình Định.
Tuy nhiên, theo bà con nông dân, vấn đề bà con băn khoăn nhất là hiện tại nguồn cá giống phải mua từ các tỉnh phía Bắc, không chủ động, thời gian nuôi kéo dài, vào mùa mưa (tháng 9-12 hàng năm) môi trường nước không ổn định, cá thường mắc bệnh lở loét gây thiệt hại, cần có biện pháp khắc phục có hiệu quả. Mặt khác, đây là đối tượng nuôi mới, đầu ra chưa ổn định, nên bà con vẫn còn e ngại khi phát triển nuôi cá đối mục.
Kỹ thuật nuôi cá đối mục thương phẩm trong ao đất
Có hai hình thức nuôi cá đối mục (Mugil cephalus Linnaeus, 1758) trong ao đất, đó là: Nuôi đơn: cá đối mục được nuôi bán thâm canh và thâm canh trong các ao nuôi chuyên canh; Nuôi ghép: cá đối mục thường được nuôi ghép với các loài cá khác như cá chép thường, cá trắm cỏ, cá chép bạc, cá rô phi và cá măng biển; có thể nuôi được trong vùng nước lợ, nước ngọt và nước mặn.
1. Chọn địa điểm ao nuôi cá đối mục
Nguồn nước dùng để nuôi cá đối mục thương phẩm phải sạch không bị ô nhiễm, xa khu dân cư, xa nguồn nước thải công nghiệp, đảm bảo các yếu tố môi trường ổn định. Đồng thời, gần đường giao thông, gần nguồn cá giống (cá tự nhiên và nhân tạo), gần nguồn điện,…
Chọn vị trí xây dựng ao nuôi ở vùng trung triều, biên độ thủy triều khoảng 2-3 m để tiện cho việc cải tạo ao, tháo và lấy nước trong quá trình nuôi, các yếu tố môi trường phải đảm bảo các chỉ tiêu sau: Độ mặn 0-30 ‰, nhiệt độ 26- 32 độ C, hàm lượng oxy 3-5 mg/l, pH 7,5-8,5, NH3
2. Thiết kế, xây dựng và chuẩn bị ao nuôi cá đối mục
Ao nuôi có diện tích 1.000 – 20.000 m2, tốt nhất là từ 2.000 – 5.000m2; Độ sâu mực nước từ 1,2 –1,5 m, có cống cấp và thoát nước riêng, đáy cát hoặc cát bùn hơi dốc về phía cống thoát.
Cải tạo ao tốt, triệt để nhằm diệt trừ địch hại, mầm bệnh và các sinh vật cạnh tranh gây nguy hiểm cho cá giống. Các biện pháp cải tạo ao, chuẩn bị ao nuôi tiến hành như sau:
Ao nuôi cá đối mục phải được tháo cạn nước, vét bùn, rửa sạch đáy ao, rải vôi với liều lượng 10-20 kg/100 m2 với những ao có pH ≥ 6,5. Nếu ao có pH ≤ 6, phải tăng liều lượng bón vôi cho ao khoảng 30-50 kg/100 m2, kết hợp phơi đáy ao 3-5 ngày.
Trước khi thả giống, ao nuôi cá đối mụcphải được cày bừa kỹ và bón lót bằng phân bò ủ hoai với liều lượng 2,5 – 5 tấn/ha. Sau đó lấy nước vào ao khoảng 25-30 cm và giữ nguyên mực nước đó trong vòng 7-10 ngày để sinh vật phù du phát triển tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá. Mực nước trong ao sau đó được nâng 1,5-1,8 m và thả cá giống. Độ trong của ao nuôi được duy trì ở mức độ cần thiết (khoảng 20-30cm) bằng cách hàng tuần bón bổ sung thêm phân gà hoặc phân hóa học.
3. Kỹ thuật chọn và thả cá cá đối mục
Cá giống thả vào ao nuôi cá thương phẩm phải đồng đều về kích thước, chiều dài toàn thân đạt 6-8 cm. Cá không bị bệnh, không xây sát, bơi lội hoạt bát, có màu trắng sáng.
Thả cá giống: Tùy vào việc nuôi đơn hay nuôi ghép mà hình thức thả giống khác nhau.
– Nuôi cá đối mục đơn:
Sau khi cải tạo ao, lấy nước vào có thể thả cá giống nuôi ngay với mật độ 2-3 con/m2, cá giống có trọng lượng 10-15gam/con, mật độ thả từ 6.500-7.500 con/ha.
– Nuôi cá đối mục ghép:
Nuôi ghép cá đối mục với cá rô phi và cá chép trong các ao nuôi bán thâm canh, cá đối giống được thả với mật độ 3.000- 4.000 con/ha, cá chép thường có trọng lượng 100 g/con được thả với mật độ 2000-3000 con/ha và cá rô phi giống có trọng lượng 10-15 gam/con được thả với mật độ 60.000-75.000 con/ha. Mục đích của việc nuôi ghép là để cá đối mục ăn bớt tảo và thức ăn thừa, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm chi phí…
4. Chăm sóc và quản lý ao cá đối mục
a. Thức ăn và cách cho cá đối mục ăn
Trong thời gian nuôi kéo dài khoảng 7-8 tháng, nếu cá đối được nuôi chuyên canh, với chế độ bón phân hợp lý có thể cung cấp đủ lượng thức ăn tự nhiên cần thiết. Trong nhiều trường hợp, cá đối có thể ăn trực tiếp thức ăn là phân gà và vẫn sinh trưởng tốt. Kiểm tra sự tăng trưởng của cá bằng cách lấy mẫu để đo chiều dài và cân trọng lượng cá, nếu tốc độ tăng trưởng không như mong đợi, có thể bổ sung thêm cám gạo hoặc cám lúa mì hoặc thức ăn tổng hợp với khối lượng khoảng 0,5-1% khối lượng cá trong ao nuôi. Hàng ngày kiểm tra môi trường ao nuôi, hoạt động bắt mồi của cá, và 7-10 ngày kiểm tra tốc độ tăng trưởng để điều chỉnh lượng thức ăn.
Sử dụng các loại máy đảo nước, máy sục khí để duy trì hàm lượng oxy hòa tan tối ưu, đặc biệt là sau khi mặt trời lặn. Trong thời gian đầu của quá trình nuôi chỉ chạy máy quạt nước vào buổi tối, khi cá lớn tùy theo tổng khối lượng cá trong ao mà điều chỉnh thời gian chạy máy quạt nước cho phù hợp.
Mực nước trong ao luôn duy trì trên 1,2 m, lượng nước thay đối với ao nuôi đơn từ 20–30%/ 1 lần thay nước, thời gian thay nước tùy theo mức độ ô nhiễm trong ao.
Khi cá đối được nuôi ghép với cá rô phi, cá chép thường và cá chép bạc. Trong trường hợp này, khi cho cá ăn người ta thường nhắm vào mục tiêu các loài cá nuôi khác và thức ăn của cá đối chỉ là các mảnh vụn của thức ăn vỡ ra, thức ăn thừa và thức ăn tự nhiên.
Sau 7-8 tháng nuôi ở khu vực cận nhiệt đới, cá đối mục có thể đạt trọng lượng 0,75-1 kg/con, nếu nuôi hai năm, cá đối mục có thể đạt 1,5-1,75 kg/con.
Trong nuôi chuyên canh, cá đối ăn thức ăn tự nhiên là chủ yếu và có bổ sung thêm thức ăn là các sản phẩm của các nhà máy xay và các nhà máy chế biến ngũ cốc. Trong nuôi kết hợp, thức ăn viên được sản xuất trong các nhà máy chuyên sản xuất thức ăn cá hoặc trong nhiều trường hợp các nhà máy chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm có một quy trình công nghệ sản xuất thức ăn cá. Thức ăn được chế biến dựa vào nhu cầu dinh dưỡng của các đối tượng nuôi chủ yếu (ví dụ như cá rô phi và cá chép thường).
Thức ăn hiện nay dùng để nuôi cá đối mục là vấn đề không lớn, các nguồn nguyên liệu như cám gạo, bột ngũ cốc, bột cá, bột đậu lành… đều là nguồn thức ăn rất tốt dùng cho nuôi cá đối mục.
b. Quản lý các yếu tố môi trường của cá đối mục
Trong quá trình nuôi, thường xuyên theo dõi màu nước, xác định các yếu tố môi trường, theo dõi các yếu tố môi trường và tốc độ tăng trưởng của cá để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp. Theo dõi tình trạng sức khỏe, các bệnh lý để có biện pháp xử lý kịp thời.
c. Thay nước
Đối với ao nuôi đơn thường xuyên thay nước và cấp nước thêm cho ao, lượng nước thay từ 20-30%.
Đối với ao nuôi ghép, do phải duy trì màu nước, thức ăn tự nhiên cho nên hạn chế thay nước, khoảng 3-5 ngày thay một lần.
Trong ao nuôi cá đối mục thương phẩm, mực nước phải đảm bảo độ sâu trên 1,2 m, độ trong 20-30 cm.
d. Phòng bệnh cho cá đối mục
Hệ thống ao nuôi, trang thiết bị và dụng cụ trong trại sản xuất giống phải được thường xuyên vệ sinh, xử lý mầm bệnh và tiệt trùng.
Giống cá trước khi thả nuôi cần phải xử lý bệnh, tắm trong dung dịch Oxytetracylin 5 ppm. Thời gian khoảng 30-60 phút.
Thức ăn cho cá nên sử dụng thức ăn tươi sống gây nuôi trong ao, thức ăn là bột cám gạo, cám ngũ cốc, thức ăn tổng hợp phải mới, còn niên hạn sử dụng không nên sử dụng các loại thức ăn đã cũ hoặc ẩm mốc.
Cho cá ăn đúng liều lượng và đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho cá. Định kỳ thay nước để cải thiện điều kiện môi trường ao nuôi.
Lợi ích kép từ nuôi cá đối mục và tôm sú
Ông Lộc Cá Pắn, thôn Thống Nhất, xã Hải Lạng (Tiên Yên) vừa kết thúc đợt thu hoạch cá đối mục theo mô hình nuôi ghép 2ha cá đối mục và tôm sú. Ở mô hình này, cá đối mục không phải đối tượng nuôi chính song cũng đã cho sản lượng và giá trị tương đối lớn. Cụ thể, mỗi ha cho thu gần 9 tấn cá thương phẩm, với giá bán tại ao hiện ở mức 60.000 đồng/kg ước đạt tổng giá trị trên 500 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 150 triệu đồng/ha.
Ông Lộc Cá Pắn cho biết: Thời gian tôi nuôi trong khoảng 1 năm, con cá đạt trọng lượng trên 0,5kg, như vậy là phát triển rất tốt, hơn dự đoán của đơn vị cung cấp giống, nhờ đó đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đây chưa phải là lợi ích cao nhất của con cá đối mục mà hơn nữa chính là đối tượng nuôi này có thể giúp cân bằng hệ sinh thái ao nuôi, hạn chế dịch bệnh cũng như nâng cao sản lượng và giá trị cho đối tượng nuôi chính là con tôm sú. Điều này rất quan trọng, nhất là đối với địa bàn nuôi tôm Hải Lạng từ 2 năm nay liên tục xảy ra dịch bệnh, làm tôm chết hàng loạt do môi trường nuôi không đảm bảo. Cũng chính vì vậy nên mới đây ông Lộc Cá Pắn đã nhân rộng mô hình nuôi ghép cá đối mục và tôm sú trên diện tích 7ha, nâng tổng diện tích nuôi cá đối mục lên 9ha, chiếm 100% diện tích nuôi trồng thuỷ sản của gia đình ông.
Có chung nhận định như ông Lộc Cá Pắn, ông Nguyễn Văn Khang, một hộ nuôi cá đối mục ở khu 2, phường Hà An (TX Quảng Yên) cho biết: Phải nói là hiếm có đối tượng nuôi nào lại có lợi ích kép như con cá đối mục, vừa có thể mang lại giá trị kinh tế vừa tác động rất tích cực đến môi trường nuôi nói chung.
Cá đối mục là đối tượng nuôi khá mới, chính thức được đưa vào thử nghiệm tại Quảng Ninh từ gần 2 năm nay, và đã đưa vào nuôi rộng rãi tại Tiên Yên, Móng Cái, Quảng Yên. Đến thời điểm này đạt trên 60ha, trong đó vùng Hải Lạng (Tiên Yên) chiếm đến 30ha. Hiện tất cả diện tích trên đều đã và đang cho kết quả tốt, mang lại lợi ích lớn cho người nuôi.
Thực tế cá đối mục là loài cá có sức sống rất tốt, sinh trưởng và phát triển nhanh, trọng lượng lớn và chất lượng thịt ngon. Thông thường cá nuôi trong vòng 1,5 năm sẽ đạt tiêu chuẩn cá thương phẩm với trọng lượng 0,6-0,8kg, trọng lượng tối đa của loài này có thể lên đến 8kg. Đây là loại cá rộng muối, rộng nhiệt, có thể sống và sinh trưởng tốt ở cả môi trường nước lợ, mặn và nước ngọt. Trong đó cá có thể chịu đựng được nhiệt độ từ 3-35oC và độ mặn 0-40 phần nghìn, trong khi ở các đối tượng nuôi khác, ở nhiệt độ dưới 9oC; độ mặn xấp xỉ 40 phần nghìn là có thể chết. Như vậy có thể nói đây là ưu thế vượt trội của con cá đối mục. Đặc biệt thức ăn chủ yếu của loại cá đối mục là mùn bã hữu cơ, sinh vật sống trên mùn bã hữu cơ như các loài tảo sợi, tảo lam, tảo khuê, đa mao trùng, ấu trùng tôm và nhuyễn thể… những tác nhân gây ô nhiễm môi trường nuôi cũng như nuôi dưỡng mầm bệnh hại các loài thuỷ sản.
Chính vì vậy, việc nuôi cá đối mục sẽ góp phần cân bằng sinh thái môi trường nuôi, tạo cho tất cả các đối tượng nuôi khác một môi trường sống thuận lợi, an toàn nhất để sinh trưởng và phát triển. Riêng đối với môi trường nuôi tôm đã bị suy thoái, việc nuôi ghép cá đối mục sẽ tránh được bệnh hội chứng gan tụy, dịch bệnh gây thiệt hại lớn trên con tôm. Thực tế kết quả trên hơn 30ha diện tích nuôi ghép cá đối mục và tôm tại xã Hải Lạng đã cho thấy môi trường nuôi ở đây đã được cải thiện hơn, giảm hẳn tình trạng tôm chết do hội chứng gan tụy. Đây có thể nói là tác dụng quan trọng của đối tượng nuôi này, nhất là trong tình hình hiện có quá nhiều vùng nuôi trồng thuỷ sản đang rơi vào tình trạng bị ô nhiễm như vùng nuôi tôm Hải Lạng. Thực tế hiện toàn tỉnh đang có gần 10.000ha ao đầm nuôi tôm với hình thức nuôi chủ yếu là quảng canh cải tiến, bán thâm canh hoặc thâm canh. Điều đáng nói cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi này còn nhiều bất cập như hệ thống cấp thoát nước, hệ thống ao chứa và xử lý nước, hệ thống ao nuôi chưa được đầu tư hoặc đầu tư thiếu đồng bộ dẫn đến môi trường nuôi bị suy thoái nghiêm trọng, dịch bệnh thường xuyên xảy ra gây thiệt hại cho các cá nhân, đơn vị nuôi tôm.
Hiện Trung tâm Khoa học và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh đã làm chủ hoàn toàn được các quy trình gây giống và công nghệ nuôi thương phẩm cá đối mục; đủ khả năng cung cấp giống cá đối mục với số lượng lớn và chất lượng đảm bảo. Chỉ tính từ đầu năm đến nay đơn vị này đã xuất trên 800.000 giống cá đối mục… Đây là cơ sở, điều kiện để nhân rộng và phát triển một cách bền vững, mạnh mẽ mô hình nuôi cá đối mục trên địa bàn tỉnh.
Bình luận