Nuôi cá nâu trong ao đất sử dụng rong bún làm thức ăn
Cập nhật lúc:20/06/2019, 12:15
Sử dụng rong bún làm thức ăn cho cá nâu nuôi trong ao đất
Nhóm nghiên cứu Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trần Ngọc Hải, Lý Văn Khánh và Trần Thị Thanh Hiền, Trường đại học Cần Thơ đã nghiên cứu sử dụng rong bún (Enteromorpha sp.) làm thức ăn cho cá nâu (Scatophagus argus). Kết quả nghiên cứu cho thấy rong bún có thể được sử dụng thay thế một phần thức ăn viên, góp phần cải thiện chất lượng nước, giảm chi phí thức ăn và nâng cao thu nhập cho người nuôi.
Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sống, tăng trưởng và năng suất cá nâu nuôi trong ao có rong bún được cho ăn thức ăn mỗi 2 ngày và mỗi 3 ngày, không khác biệt so với ao nuôi không có rong bún và cho ăn thức ăn viên mỗi ngày. Hàm lượng TAN và NO2 trong ao nuôi cá nâu có rong bún thấp hơn so với ao không có rong bún. Thành phần sinh hóa (hàm lượng nước, protein, tro, Ca và P) của thịt cá nâu không bị ảnh hưởng bởi nghiệm thức thức ăn. Riêng hàm lượng lipid của thịt cá nâu ở ao nuôi có rong bún thấp hơn ở ao nuôi chỉ cho ăn thức ăn viên.
Nuôi cá nâu trong ao đất cho ăn thức ăn viên kết hợp với rong bún giảm được chi phí thức ăn từ 49,65 – 61,36%. Do đó, lợi nhuận và hiệu quả sử dụng đồng vốn cao hơn so với chỉ cho ăn thức ăn viên. Nuôi cá nâu trong ao nước lợ, nơi có rong bún hiện diện tự nhiên có thể áp dụng cho các hộ dân vùng nước lợ đồng bằng sông Cửu Long.
Triển vọng nuôi cá nâu
Cá nâu (Scatophagus agus) có thể sống tốt trong nước ngọt, lợ và mặn. Cá có kích cỡ vừa phải, mùi vị thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng. Đây được coi là một đối tượng triển vọng trong nuôi kết hợp với các loài khác, nhất là việc khắc phục những ao nuôi tôm bị dịch bệnh.
Đặc điểm sinh học
Cá nâu còn được gọi là cá hói, cá dĩa thái, thân cá dẹp bên, thân cao, lưng hình vòm, nhìn ngang gần như tròn. Đầu nhỏ, ngắn, mõm tù, miệng nhỏ, rạch miệng nằm ngang và ngắn, hàm có răng mịn, viền trước gốc vây lưng dốc xuống và có một vết lõm sâu sau mắt. Mắt cá lớn vừa phải nằm gần về phía đầu, vảy lược nhỏ phủ khắp thân, vảy đường bên hoàn toàn không ngắt quãng, phía trước cong lên theo viền lưng. Phần trước có gai của vây lưng tương đối phát triển, cuống đuôi ngắn không phân thùy. Vây lưng, vây hậu môn và vây đuôi có vân đen nhạt, lưng màu nâu nhạt. Nửa trên thân có các đốm tròn màu nâu, đen xếp xen kẽ không đều nhau, các đốm này nhạt dần về phía bụng.
Cấu tạo phần đầu là dấu hiệu rõ ràng nhất để phân biệt cá đực cá cái. Cá cái phần đầu là một đường thẳng, cá đực phần đầu gấp khúc, cá cái có màu xanh ô liu, cá đực màu xám đen. Ở cùng độ tuổi, cá đực có khối lượng lớn hơn cá cái. Cá nâu là loài nhiệt đới, phân bố rộng từ châu Á, châu Úc đến châu Phi. Ở Việt Nam, chúng phân bố ở khắp các vùng biển từ Bắc vào Nam, từ ngoài khơi đến vùng cửa sông ven biển. Cá sinh sống trong các khe đá, rạn san hô, cửa cống ao đầm nước lợ nơi có nhiều rong rêu là thức ăn ưa thích của cá.
Bình luận