Nuôi cá đối mục, giải pháp tận dụng cho các vuông nuôi tôm bị bỏ hoang

Cập nhật lúc:20/06/2019, 12:41

Nuôi cá đối mục, giải pháp tận dụng cho các vuông nuôi tôm bị bỏ hoang hay vùng tôm bị dịch bệnh

Sau hơn 5 tháng triển khai thực hiện, Trạm Khuyến nông- Khuyến ngư (KNKN) huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã nuôi thành công cá đối mục thương phẩm tại ao nuôi thuộc xã Gio Mai, huyện Gio Linh. Thành công này đã mở ra một hướng đi mới trong việc tìm ra đối tượng nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao, dần thay thế cho vùng nuôi tôm thường xảy ra dịch bệnh.

Nhiều năm trước đây, gia đình ông Trương Văn Quyết ở tại thôn Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh cải tạo hơn 0,4 ha diện tích đất ruộng bạc màu để chuyển sang nuôi tôm sú. Dù đã trang bị nhiều kiến thức và kỹ thuật về nuôi tôm nhưng sản lượng tôm thu hoạch hàng năm của gia đình ông không đồng đều, lúc được lúc mất. Một nguyên nhân chính là do ao nuôi được xây dựng tự phát, không theo quy hoạch, không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nên nhiều năm liền gia đình ông Quyết thất thu do tôm bị bệnh và chết hàng loạt. Gia đình ông đành bỏ hoang toàn bộ diện tích mặt nước nuôi tôm sú của mình. Tuy nhiên với đức tính kiên trì, chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, năm 2014 ông đã mạnh dạn đăng ký thực hiện mô hình nuôi cá đối mục trong ao đất do Trạm KNKN Gio Linh triển khai nhằm thay thế cho con tôm sú thường xuyên bị dịch bệnh.

Mô hình được triển khai trên ao nuôi có diện tích 0,4 ha, tham gia thực hiện mô hình ông Quyết được Trạm KNKN Gio Linh hỗ trợ 6.000 con cá giống kích cỡ 4cm và 30% thức ăn công nghiệp, phần còn lại do người dân đóng góp để thực hiện theo yêu cầu của mô hình. Ông Quyết cho biết, đây là lần đầu tiên ông nuôi đối tượng này nên chưa có kinh nghiệm và còn nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên trong suốt quá trình nuôi ông luôn nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn quy trình nuôi của cán bộ kỹ thuật nên cá phát triển tốt. Cá đối mục là loài rất dễ nuôi, tỷ lệ sống cao, lại thích hợp với khí hậu khắc nghiệt của miền Trung. Nếu so sánh với các đối tượng cá nuôi khác thì vốn đầu tư để nuôi cá đối mục thấp hơn nhiều.

Thêm vào đó, kỹ thuật nuôi không khó, trong quá trình nuôi hầu như không có dịch bệnh gì xảy ra. Sau hơn 5 tháng thả nuôi, qua theo dõi cho thấy cá phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 75%, kích cỡ hiện đạt 5 – 6 con/kg, ước tính sản lượng thu về hơn 750 kg. Nếu với giá bán như hiện nay khoảng 150.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ước tính đạt gần 34 triệu đồng. Hiện thị trường đầu ra cũng rất tiềm năng bởi cá đối mục có thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chị Phan Mỹ Nhung, cán bộ kỹ thuật trực tiếp chỉ đạo mô hình cho biết: Cá đối mục là loài phân bố rộng, có kích thước lớn và tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong họ cá đối. Nhờ tính thích nghi cao, ăn tạp nên cá có thể nuôi đơn hoặc nuôi ghép với các loài khác và có khả năng làm sạch môi trường, phù hợp với các ao nuôi tôm bị suy thoái. Tuy nhiên nếu ao nuôi cá đối mục là ao nuôi tôm đã qua nhiều năm nhưng kém hiệu quả, đáy ao đã bị hoang hóa, tích tụ nhiều chất bẩn thì quá trình cải tạo ao nuôi cần phải thực hiện kỹ. Cá giống thả nuôi phải khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng và phải được thả vào sáng sớm. Thức ăn cho cá đối mục là thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, tuy nhiên trong 20 ngày đầu sau khi thả giống thức ăn cần phải được ngâm nở trong nước 20 phút trước khi cho ăn. Định kỳ 7 – 10 ngày cần phải sử dụng vôi nông nghiệp với lượng 30 kg/1.000 m2 để diệt khuẩn và ổn định môi trường ao nuôi. Tỷ lệ sống của cá đối mục đạt từ 75 – 85%, cá chỉ bị hao hụt chủ yếu trong thời gian đầu lúc mới thả nuôi do ảnh hưởng của quá trình vận chuyển xa và chết rải rác do sốc khí độc khi thời tiết thay đổi. Đến nay sau hơn 5 tháng thả nuôi cá đã đạt kích cỡ 5 – 6 con/kg, năng suất ước đạt 1,8 tấn/ha. Với tốc độ phát triển của cá như hiện nay dự kiến sau 7 tháng nuôi cá sẽ đạt kích cỡ từ 2 – 3 con/kg, năng suất sẽ đạt từ 3 – 3,5 tấn/ha.

Trao đổi với chúng tôi về những kinh nghiệm đã thu được trong quá trình thực hiện mô hình nuôi cá đối mục, ông Quyết cho biết, so với nuôi tôm thì nuôi cá đối mục dễ nuôi hơn, sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi nên dễ quản lý được thức ăn hơn. Tuy nhiên, để cá tăng khả năng bắt mồi cho cá thì trong tháng nuôi đầu tiên, bên cạnh sử dụng thức ăn công nghiệp, ông còn cho cá ăn thêm cám gạo phối trộn với thức ăn cho tôm với tỷ lệ 1:1. Khi cá còn nhỏ thì chỉ cần cấp thêm nước khi mực nước xuống dưới 1,2 m, tuy nhiên khi cá lớn thì cần phải thường xuyên thay nước do tập tính ăn của cá đối mục là ăn tạp, thức ăn chủ yếu là mùn bã hữu cơ, sinh vật sống trên mùn bã hữu cơ như các loại tảo sợi, tảo lam, tảo khuê… nên cá “quậy” liên tục làm giảm độ trong của nước.

Theo ông Quyết thì từ tháng nuôi thứ 3 trở đi, khi cá đạt kích cỡ 15 – 20 con/kg thì cần phải cung cấp đủ oxy cho cá bằng guồng quạt nước, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi và mưa giông đột ngột. Khó khăn hiện nay của nông dân đối với việc nuôi cá đối mục đó là giá con giống quá cao (từ 6.000 – 7.000đ/con), lại phải mua từ Hải Phòng, quãng đường vận chuyển tương đối xa nên trong thời gian đầu lúc mới thả giống cá có hiện tượng hao hụt. Ngoài ra, do cá đối mục có thời gian nuôi dài (từ 7 – 9 tháng) nên để tránh lụt cuối vụ cần phải thả nuôi sớm, từ đầu tháng 2 hàng năm.

Ông Phan Văn Nghi, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Gio Linh cho biết, toàn huyện Gio Linh có 140 ha nuôi thủy sản nước lợ, trong đó có nhiều diện tích phải bỏ hoang vì dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Mô hình nuôi cá đối mục thương phẩm trong ao đất của Trạm KNKN Gio Linh đã bước đầu khẳng định đây là đối tượng nuôi có năng suất cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Trên cơ sở này, trong thời gian tới Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện sẽ tham mưu cho UBND huyện có chính sách hỗ trợ để nhân rộng mô hình này ra địa bàn toàn huyện nhằm phát huy hiệu quả nuôi trồng thủy sản.

Phó giám đốc Trung tâm KNKN tỉnh Nguyễn Thanh Tùng khẳng định: Mô hình nuôi cá đối mục thương phẩm trong ao đất của ông Quyết bước đầu đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Giống cá này có kích thước lớn, thịt ngon, dễ chăm sóc, ít bệnh tật, tỷ lệ rủi ro thấp. Mặt khác, cá đối mục chịu được nhiệt độ lạnh nên có thể nuôi được qua đông, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Với những ưu thế nổi trội này, cá đối mục hoàn toàn có khả năng trở thành đối tượng nuôi mới đối với các vùng nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh… Và điều không kém phần quan trọng nữa là giống cá này đưa vào nuôi sẽ góp phần cải thiện môi trường cho các khu nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là khi môi trường nuôi tôm ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm.

Được biết, trên cơ sở thành công ban đầu của mô hình này, trong thời gian tới Trung tâm KNKN tỉnh sẽ nhân rộng mô hình nuôi cá đối mục ra các địa phương khác trong tỉnh. Bên cạnh các mô hình nuôi thâm canh còn xây dựng các mô hình nuôi xen ghép cá đối mục với tôm sú và cua nhằm sử dụng nguồn thức ăn thừa, chất thải lắng đọng trong ao làm thức ăn, góp phần cải thiện môi trường ao nuôi. Với những bước đi này, hi vọng trong thời gian tới, cá đối mục sẽ trở thành đối tượng nuôi phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh nhằm từng bước đa dạng hóa đối tượng nuôi, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, giảm thế độc canh con tôm, góp phần đem lại thu nhập cho người nuôi.

Bình luận

Bản quyền © 2019.