Nuôi dúi làm giàu

Cập nhật lúc:20/06/2019, 13:55

Hiện nay, nuôi Dúi là một mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Dúi trong tự nhiên đang khan hiếm dần do săn bắt nên hiện nay Dúi không đủ cung cấp cho thị trường.

Dúi được xếp vào loại thức ăn đặc sản, thịt ngon, mát, giàu đạm. Giá dúi thương phẩm (còn sống nguyên con) trên thị trường Việt Nam hiện ở mức 160.000 đồng/kg. Dúi rất dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp (chuồng trại, con giống, thức ăn), ít nhân công, vòng xoay vốn nhanh, ít rủi ro. Dúi đẻ rất sai, một năm 4 lứa mỗi lứa 3- 6 con. Hiện nay giá Dúi giống trên thị trường là từ 200.000 – 300.000đ/kg. Trước nhu cầu của thị trường thì con dúi đang được bà con nông dân trên cả nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng đã đưa vào nuôi, tuy nhiên mô hình nuôi Dúi xuất hiện chưa nhiều mặc dù những mô hình nuôi Dúi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để giúp bà con nông dân tham khảo và có thể tổ chức nuôi, chúng tôi xin giới thiệu một số kỹ thuật cơ bản nuôi Dúi:

1. Chuồng trại và dụng cụ nuôi:

Dúi thích ánh sáng tán xạ, cho nên chuồng nuôi nên làm nửa sáng, nửa tối, không cần ánh sáng trực tiếp, tránh mưa tạt, gió lùa và nắng nóng, đảm bảo khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát. Nền và sân chuồng nên tráng bằng bê tông dốc 1 – 2%, dày 8 – 10cm để dúi không đào hang chui ra ngoài và thoát nước… Xung quanh rào bằng lưới ô vuông hoặc B40, cao 1,0 – 1,5 m, phía trước có cửa ra vào thuận lợi. Mỗi ô chuồng nuôi 1 – 2 con chỉ cần khoảng 1m². Hệ thống cống rãnh thoát nước thiết kế ở phía sau, ngoài chuồng.

Trong tự nhiên, dúi hay ở hang nên ta cũng có thể làm hang nhân tạo cho dúi (bằng tôn uốn cong hoặc bằng ống cống đường kính 30 – 40 cm) và để ở ngoài sân chơi để tiện vệ sinh.

2. Thức ăn:

Thức ăn của dúi phong phú và đa dạng, bao gồm tất cả các loại rau, củ, quả, rễ cây, mầm cây ngọt bùi đắng chát… thức ăn tinh hỗn hợp, thức ăn bổ sung khoáng, sinh tố…, thức ăn động vật gồm: côn trùng, ốc, giun đất…

Về khẩu phần thức ăn trung bình cho 1 con/ngày như sau:

– Dúi 2 – 3 tháng tuổi: 50 – 100 g rau, củ quả; 5 – 10 g thức ăn hỗn hợp và 5 – 10 g lúa, ngô, đậu các loại.

– Dúi 3 – 6 tháng tuổi: 100 – 250 g rau, củ, quả; 10 – 15 g thức ăn tổng hợp; 5 – 15 g thức ăn hạt thóc, đậu và 3 – 10 g khô dầu lạc, khô dầu dừa.

– Dúi 6 – 9 tháng tuổi: 250 – 350 g rau, củ, quả; 15 – 30 g thức ăn tổng hợp; 15 – 30 g thức ăn hạt các loại và 10 – 20 g khô dầu lạc, khô dầu dừa.

Có thể thay dầu dừa, dầu phộng bằng giun đất, côn trùng (kiến, mối, sâu, bọ…), thức ăn tinh hỗn hợp có thể dùng thức ăn viên dùng cho gà con, vịt con 1 tháng tuổi của các hãng chế biến thức ăn.Ta có thể điều chỉnh lượng thức ăn bằng cách quan sát, nếu sau 12 giờ cho ăn thấy dúi ăn hết thì bổ sung thêm, ngược lại nếu thức ăn còn thừa nhiều thì giảm bớt những lần cho ăn sau. Khi cho ăn đủ thức ăn rau, củ, quả tươi thì dúi không cần uống nước hoặc uống ít nước. Thức ăn còn thừa sau 12 giờ, bị úa vàng, chua, mốc phải bỏ đi, đảm bảo cho dúi thức ăn tươi, xanh, sạch đề phòng bệnh tiêu chảy, dúi sẽ khỏe mạnh ít dịch bệnh…

Dúi thường chịu rét tốt hơn chịu nóng, nếu nóng trên 350C, cần có quạt thông gió cho thoáng mát.

3. Chăm sóc nuôi dưỡng và thu hoạch.

Dúi giống để nuôi thường được 2 – 3 tháng tuổi, trọng lượng 1,5 – 2,0 kg/con, đã quen ăn các thức ăn do con người cung cấp trong điều kiện nuôi dưỡng nhân tạo.

Trước khi bán thịt 30 – 40 ngày, vỗ béo cho dúi bằng cơm, tấm gạo, bắp xay 60 – 70% trộn với thức ăn đậm đặc hoặc thức ăn tinh hỗn hợp loại dùng cho gà con, vịt con 1 tháng tuổi 30 – 40%. Dúi tăng trọng rất nhanh và béo khỏe, có thể đạt 0,5 – 0,7 kg/tháng, bán được giá, cho hiệu quả kinh tế cao.

4. Phòng và chữa bệnh

Để phòng bệnh cho dúi, chuồng trại phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát, tránh mưa tạt, gió lùa, nắng nóng và không cần ánh sáng trực tiếp… con dúi là động vật hoang dã, mới được thuần hóa, sức đề kháng rất mạnh nên ít dịch bệnh. Tuy nhiên, dúi vẫn bị một số bệnh thông thường như bệnh ký sinh trùng ngoài da, bệnh đường ruột…

* Bệnh ký sinh trùng ngoài da. Do ve, mò (1 loài ký sinh) cắn gây nên ghẻ lở, ta có thể dùng thuốc kháng sinh bôi hoặc dúi tự liếm cũng có thể khỏi. Để phòng bệnh, ta nên định kỳ vệ sinh sát trùng, tẩy uế chuồng trại và xung quanh 1 – 2 lần/tháng.

* Bệnh đường ruột. Thường do khẩu phần thức ăn cung cấp không đầy đủ thành phần và giá trị dinh dưỡng nên dúi có thể bị tiêu chảy, trong trường hợp đó, ta có thể dùng thuốc điều trị tiêu chảy hoặc bổ sung thêm thức ăn, nước uống đắng, chát như ổi xanh, cà rốt, rễ cau, rễ dừa… Để phòng bệnh tiêu chảy, không nên sử dụng các loại thức ăn hôi thối, ẩm mốc, khẩu phần thức ăn phải phong phú và đa dạng.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có trang trại của anh Dương Văn Phương -Thôn Lâm Xuyên – Tam Hồng – Yên Lạc – Vĩnh Phúc đang nuôi gần 100 đôi dúi sinh sản. Trang trại của anh sẵn sàng đón tiếp bà con nông dân đến tham quan học tập và trao đổi kinh nghiệm nuôi  dúi cho hiệu quả kinh tế cao và cung cấp con giống chất lượng tốt cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh.

Món ăn từ con dúi

Món khoái khẩu của chúng là rễ và phần gốc non trong lòng đất của những cây họ tre, trúc như: tre gai, lồ ồ… Anh Phạm Văn Dũng, có 6ha vườn cà phê ở Gia Lai kể: “Đang trưa yên ắng, bỗng nghe tiếng “rột… rột…” khá lớn, phát ra trong lùm tre mỡ ngoài rẫy. Chắc chắn là tụi hắn – dúi. Ba bữa sau, có vài cây tre rủ lá chết đứng.”

Thì ra, sức tàn phá của vợ chồng dúi ngang ngửa với đám đuông dừa Bến Tre. Khác ở chỗ, da dúi rất dày. Anh Dũng khẳng định, giọng chắc nịch: “Thịt nó mềm dẻo, ngon ngọt hơn cả nhím. Đừng hỏi nữa, thêm… thèm!”

Lẽ nào thịt con vật gặm nhấm nửa giống chuột, nửa tựa bọ kia có sức cuốn hút bão táp đến thế!

Tình cờ, gặp anh Nguyễn Văn Mạnh, hướng dẫn viên du lịch giàu kinh nghiệm, dân Kon Tum, vội hỏi: thịt dúi ngon ra răng? Mạnh cười tít mắt nói: “Răng nó bén nhọn không ăn được. Còn thịt da hử! Mê mồi lắm lắm!”

con dúi bắt được đem về

Anh Mạnh còn chia sẻ thêm rằng, món khô dúi treo giàn bếp là niềm tự hào của dân tộc Jơ Lưng (tên gọi khác của một nhóm dân tộc Ba Na), trong ngày tết cổ truyền. Khi đó, người nào cũng xum xoe những bộ thổ cẩm sặc sỡ. Gia chủ mỗi nhà, cẩn thận chọn một con khô dúi mập và ghè rượu ngon bó chặt vào một đầu cây nêu nhỏ, mang đến nhà Rông, để cùng già làng hành lễ.

Bất ngờ hơn, ngày trọng đại ấy còn khó đoán định gấp mấy lần việc tìm dấu đám dúi khôn ngoan để đặt bẫy. Bởi, chỉ già làng mới đủ uy chỉ định một ngày bình thường trở nên rộn ràng chiên, trống; từ khoảng cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 dương lịch.

Người Jơ Lưng sống ở những vùng tương đối cao, theo tín ngưỡng đa thần. Hiện tại tỉnh Kon Tum, họ có mặt ở các huyện Kon Rẫy, Kon Plông. Tất nhiên, họ là những người có biệt tài săn dúi.

Đồng thời, dân sành ăn giống chuột mê tre này đều thống nhất: các món khô hoặc ít nước sẽ thích hợp hơn. Dễ mê… lây là món dúi nướng muối ớt. Cặp với mớ lá é rừng, cắn gọn nửa trái ớt chim xanh, hớp ngụm rượu nóng thêm ấm nồng tình yêu cao nguyên! Mặc cho mưa rừng lê thê.

Chợt Mạnh thở dài như than oán: dúi phá chỉ bằng cái móng tay con người. Người san bằng, đốt sạch rừng tre nứa làm nương rẫy. Dúi trơ trọi không nơi nương tựa.

Về lại Nam bộ, ánh mắt buồn buồn của anh bạn mê du lịch sinh thái Tây Nguyên còn đeo đẳng người viết mất mấy hôm. Cũng có người bàn: giống vật này luôn “nợ” măng. Cho nên, muốn hấp cách thủy hoặc giả cầy nó, cũng phải có ít măng tươi “tống tiễn” mới thăng hoa hương vị được.

Lại mưa xối xả. Nhắn tin cho anh bạn mê chạy nhảy chốn đại ngàn: Ghiền dúi rừng muốn chết! – Thôi đi cha, để tụi nó rộng đường lo tái định cư!

Bình luận

Bản quyền © 2019.