Nuôi lươn trong bồn bằng cây bắp khô

Cập nhật lúc:20/06/2019, 13:20

Chạy dọc theo con đường xã Tân An, rất dễ bắt gặp hình ảnh những bồn bê-tông được đặt ở sân trước hoặc bên hông nhà. Đối với những hộ không có diện tích đất rộng thì họ tận dụng khung sàn nhà để xây bồn bê-tông và tận dụng cây bắp khô đặt vào bồn ủ để nuôi lươn. Ghé thăm gia đình anh Trịnh Minh Tiến Anh cũng là lúc anh đang tất bật với công việc sắp xếp những cây bắp khô vào bồn chuẩn bị mua thêm đợt lươn mới về nuôi để kịp xuất bán trong dịp Tết Nguyên đán. Gia đình anh Tiến Anh có 5 bồn nuôi lươn, mỗi bồn có diện tích khoảng 15m2. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi lươn trong bồn bê-tông ủ bằng cây bắp khô, anh Tiến Anh cho biết: “Lươn là loài không ưa ánh sáng nên người nuôi có thể bỏ đất hoặc độn thêm rơm, cây chuối mục vào bồn để tạo môi trường tốt. Ngoài ra, có thể cho lục bình vào để tạo bóng râm trong bồn tránh được sự thay đổi môi trường một cách đột ngột. Ở đây, chúng tôi chọn cây bắp khô để đặt vào bồn vì giá rẻ và cũng dễ mua. Mực nước trong bồn nuôi phải từ 2- 3 tấc, mực nước sâu quá sẽ ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của lươn”.

Cũng theo anh Tiến Anh, với diện tích 1 m2, anh thả khoảng 50 con lươn giống và cần phải trải qua quá trình thuần hóa để lươn nuôi quen với thức ăn. Giai đoạn từ 7- 10 ngày đầu, cho lươn ăn giun đất vào buổi tối. Sau đó, từ từ tập cho lươn ăn sớm hơn. Khi nuôi được một tháng thì mỗi ngày cho lươn ăn một lần khoảng 5- 6 giờ chiều. Thức ăn cho lươn chủ yếu là các loại cá đồng, ốc bươu vàng, cua hoặc cá mua về xay ra cho ăn. Ngoài ra, anh còn trộn thêm men tiêu hóa và vitamin C vào thức ăn để lươn không bị bệnh, hạn chế hao hụt. Không nên cho lươn ăn thức ăn bị hôi thối, thức ăn dư trong bồn từ 1- 2 giờ nên vớt bỏ ra ngoài, nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước. Mỗi ngày, phải thay nước một lần để đảm bảo nước luôn sạch thì lươn mới phát triển tốt, khoảng 6 – 8 tháng là có thể bán được. Với cách nuôi này, đợt rồi, anh Tiến Anh bán hai bồn lươn, trừ chi phí, thu lãi khoảng 15 triệu đồng.

Anh Tiến Anh cho biết thêm, nguồn lươn ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt, việc sinh sản nhân tạo của lươn hiện nay còn rất hạn chế, đa phần người nuôi phải mua của người dân xúc ủ, đặt trúm… Ngay mùa nước nổi, lươn giống có giá khoảng 60.000 đồng/kg, còn vào mùa khô thì khoảng 80.000 – 90.000 đồng/kg.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân An, Thiều Văn Cách cho biết: “Toàn xã Tân An có 425 hộ nuôi lươn. Tùy vào điều kiện gia đình mà mỗi hộ đầu tư nuôi ít hay nhiều. Nhờ nuôi lươn mà cuộc sống của nhiều hộ dân được cải thiện, có hộ đã vươn lên thoát nghèo. Nuôi lươn lời nhiều hay ít còn tùy thuộc vào công sức của nông dân. Nếu họ bỏ công đi bắt ốc, đặt đú… kiếm cá làm thức ăn cho lươn thì sẽ hạn chế được nhiều chi phí, khi bán ra sẽ thu lãi cao hơn”.

MỸ LINH – An Giang, 09/01/2013

Nuôi lươn không bùn – mô hình sáng tạo của nông dân

Nuôi lươn không cần bùn, đất; dễ quản lý số lượng, thức ăn dư thừa và dịch bệnh; lươn phát triển nhanh, ít hao hụt… Đó là những ưu điểm của mô hình thí điểm nuôi lươn không bùn được nông dân xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú – An Giang) áp dụng mang lại hiệu quả tốt.

ông dân Đoàn Thanh Nhàn (ngụ  ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Mỹ Tây) cho biết, lúc trước nuôi rắn hổ hèo, nhưng hiệu quả không được như mong muốn nên anh mới tìm kiếm học hỏi các mô hình chăn nuôi hiệu quả thông qua Hội Nông nông dân, từ internet… Thấy mô hình nuôi lươn không bùn có nhiều ưu điểm vượt trội so với nuôi lươn truyền thống, anh đã ra tận cơ sở nuôi ở TP. Hồ Chí Minh để tìm hiểu cách làm và học hỏi kinh nghiệm nuôi. Tận dụng bồn sấy lúa lúc trước của gia đình, anh đã tiến hành cải tạo, lót bạt và thả nuôi thí điểm 2.800 con lươn giống vào 2 bồn; mỗi bồn nuôi có diện tích 6m2, cao khoảng 1m, mực nước trong bồn nuôi 20cm-30cm. “Tôi chọn lươn giống là loại lươn tự nhiên, do người dân đặt ủ trong mùa nước, trọng lượng khoảng 60-70 con/kg. Lươn giống tự nhiên rất khỏe, ít dịch bệnh mà giá cũng mềm. Trước khi thả lươn vào bồn phải cho lươn qua nước muối loãng để sát trùng và loại ký sinh trùng” – anh Nhàn chia sẻ kinh nghiệm.

Trong bồn nuôi thả dây ny-lon làm nơi trú ẩn, đặt vĩ tre chồng lên nhau để làm chỗ cho lươn nằm và thả thức ăn cho lươn ăn. Thức ăn cho lươn là thức ăn công nghiệp trộn thêm các loại cá tạp, ốc bươu vàng. Vì lươn rất mẫn cảm với môi trường sống, nên phải thay nước trong bồn lươn mỗi ngày sau khi lươn ăn 2 – 3 giờ để giữ cho bồn lươn sạch. Bên cạnh đó, anh Nhàn còn xử lý mầm bệnh và cung cấp thêm vitamin, men tiêu hóa theo định kỳ 7 ngày/lần. Sau hơn 2 tháng chăm sóc, lươn tăng trưởng rất nhanh, đạt trọng lượng trung bình trên 50gram/con. “Nuôi lươn theo mô hình này rất đơn giản, ít tốn công chăm sóc và tỷ lệ hao hụt rất ít. Tiếp tục chăm sóc thêm khoảng 2 tháng nữa tôi có thể tuyển được một số lươn lớn để thu hoạch, đến tháng thứ 5 là có thể xuất bồn lươn. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục cải tạo các bồn sấy lúa còn lại, mua con giống tiến hành nuôi cả lươn giống và lươn thương phẩm bằng mô hình nuôi lươn không bùn này” – anh Nhàn chia sẻ.

Cũng như anh Nhàn, nông dân Trần Văn Xê (ngụ ấp Ba Xưa, xã Thạnh Mỹ Tây) cũng đang áp dụng thả nuôi 110kg lươn giống, loại 30 con/kg theo mô hình nuôi lươn không bùn trên 2 bồn với diện tích 26m2 cách đây gần 2 tháng. Ông Xê cho biết, trước đây, ông nuôi lươn đất truyền thống rồi chuyển sang nuôi heo. Bán xong đàn heo, ông cải tạo chuồng, nuôi lại lươn. Tình cờ biết được anh Nhàn đang nuôi thí điểm mô hình nuôi lươn không bùn, nên ông Xê đã học hỏi kinh nghiệm, cách làm và tiến hành nuôi. Qua thời gian đầu nuôi theo mô hình mới này, ông Xê nhận thấy nuôi lươn không bùn giảm khoảng 30% chi phí đầu tư chuồng sau mỗi đợt nuôi, chủ yếu là khỏi tốn tiền thay đất so với nuôi truyền thống. Vệ sinh bồn nuôi rất dễ, không có mùi hôi, nước thải không gây ô nhiễm môi trường. Quản lý, theo dõi được quá trình sinh trưởng phát triển, phát hiện bệnh kịp thời để điều trị cũng như quản lý số lượng của lươn. Nuôi trong thời gian 5-6 tháng là có thể bán, nhanh hơn 2 tháng so với cách nuôi truyền thống, giúp người nuôi tiết kiệm chi phí thức ăn, thuốc thú y.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Phú Huỳnh Minh Ngọc cho biết, nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất và kinh doanh giỏi,  huyện chọn xã Thạnh Mỹ Tây làm điểm xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn thí điểm. Toàn xã có 50 hộ nuôi với tổng diện tích 7.500m2 theo mô hình nuôi lươn bùn truyền thống. Hiện tại, có 5 hộ ứng dụng mô hình nuôi lươn không bùn và thu hoạch bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ lươn thịt luôn rộng mở, giá cả ổn định nên kích thích tâm lý nông dân tham gia mô hình này.

TRỌNG TÍN – Báo An Giang, 28/11/2013

Kinh nghiệm nuôi lươn không bùn trong bể xi măng

Xin giới thiệu về kinh nghiệm nuôi lươn không bùn bằng bể xi măng của hộ ông Phạm Ngọc Thanh ở đồi Yên Kiệt, xã Sông Lô, Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Gia đình ông Thanh đã nuôi lươn thành công gần 2 năm nay theo các bước như sau:

1. Chuẩn bị bể

Mỗi bể xi măng có diện tích từ 4 – 6 m2, độ đốc 5-7% về phía cống thoát, tháo và cấp nước thuận tiện. Dùng dây ni lon phủ trên 2/3 diện tích đáy bể làm chỗ trú cho lươn. Trên bể có mái che để mát về mùa hè, ấm về mùa đông.

Nuôi lươn trong bồn bằng cây bắp khô

Trải dây nilong 2/3 diện tích đáy bể và làm mái cho bể

2. Chọn giống

Chọn lươn đều cỡ, khỏe mạnh, không bị bệnh, màu sắc tươi sáng. Nguồn lươn giống đã được thuần hóa ở các cơ sở ương nuôi có uy tín.

3. Chăm sóc và quản lý

Lươn giống cỡ nhỏ 1.500 con/kg nuôi với mật 1.000 -1.500 con/m2. Thức ăn là cá tạp xay nhỏ trộn với 20% thức ăn viên có độ đạm trên 35%, định lượng 7-10% khối lượng lươn/ngày, cho ăn 1 lần/ngày lúc chiều tối (18-19h).

Sau 3 tháng nuôi, lươn đạt khối lượng 50-70 con/kg. Lúc này bắt đầu tiến hàng nuôi lươn thịt, với mật độ rất cao, 200-300con/m2. Thức ăn là cá tạp (mè, trôi) nấu chín, định lượng 3-5% khối lượng lươn, ngày cho ăn 1 lần lúc chiều tối (18-19h). Mỗi ngày thay nước một lần (chú ý nước luôn sạch). Sau 6-7 tháng, lươn đạt khối lượng 0,2-0,3 kg/con (đạt giá trị thương phầm) là có thể bán ra thị trường, tỷ lệ sống trên 70%. Năng suất đạt 40-60 kg/ m2 bể.

Ngoài ra ông Thanh cũng cho biết, sau khi xây bể xong phải ngâm nước tẩy rửa nhiều lần, ít nhất 20 ngày sau mới đưa lươn vào nuôi. Khi nuôi lươn, cứ 30 ngày phải chọn những con nhỏ để tách nuôi riêng (tách đàn kịp thời). Có như vậy lươn thịt mới đều cỡ, tỷ lệ hao hụt thấp và được thị trường ưa chuộng, cho hiệu quả kinh tế cao nhất.

4. Phòng bệnh

Trước khi thả lươn vào bể nuôi, phải tắm lươn bằng nước muối 3%, thời gian 15-20 phút để phòng bệnh, Trong quá trình nuôi phải thường xuyên quan sát nếu con nào bị xây sát phải tách riêng để chữa trị. Khi phát hiện lươn có dấu hiệu bất thường như lươn ăn ít, một số con bơi tách đàn hoặc ngóc đầu lên cần tìm nguyên nhân để có biện pháp xử lý kịp thời.

5. Thu hoạch

Khi lươn đạt cỡ thu hoạch, ngừng cho lươn ăn một ngày trước khi xuất bán. Khi đánh bắt dùng vợt xúc nhẹ nhàng, tránh xây sát. Phải chuẩn bị thùng xốp chứa lươn. Giá bán lươn hiện nay khoảng 180.000 đồng/kg.

Kim Văn Tiêu – TTKNQG – Khuyến Nông VN, 21/10/2013

Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhân rộng mô hình nuôi lươn không bùn

Mô hình nuôi lươn không bùn đang là một hướng đi mới và nhận được sự quan tâm của người nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trên địa bàn xã Láng Lớn, huyện Châu Đức, một số hộ đang áp dụng hình thức nuôi này, hiện tại lươn đang phát triển rất tốt.

Các hộ nuôi điển hình như hộ ông Bùi Đình Chế và hộ ông Đỗ Mạnh (ấp Sông Xoài 3, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) đang áp dụng nuôi lươn trong bể xi măng. Bể được thiết kế diện tích 6m2/bể, chiều cao khoảng 0,8 – 1 m; xây tường gạch, mặt trong ốp gạch men/gạch tàu (để tránh cho lươn bị trầy xước); trong bể đặt những tấm phên tre làm nơi trú ẩn cho lươn. Hai ông cho biết là đã tự tìm hiểu về kỹ thuật nuôi và cất công đi tìm mua giống lươn tại một trại ở Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. Hai ông mua tổng cộng 300kg lươn giống rồi về chia đôi, kích cỡ con giống 25 – 30 con/kg, với giá giống là 320.000 đồng/kg.

Với số lượng con giống như trên, các ông về thả nuôi trên diện tích khoảng 24m2, như vậy mật độ thả nuôi khoảng 300 con/m2. Tuy nhiên thời gian đầu khi thả nuôi tỉ lệ lươn hao hụt đáng kể do các ông chưa nắm vững kỹ thuật nuôi, hơn nữa phần cũng là do chất lượng con giống không được tốt. Trong quá trình nuôi, lươn ăn toàn bộ bằng thức ăn tự chế biến từ cá tạp, mỗi ngày cho ăn 2 lần. Đến nay, thời gian nuôi được khoảng 5 tháng nhưng tỉ lệ hao hụt đã lên tới 40 – 50%, mặc dù vậy số lươn còn lại tăng trọng rất tốt và kích cỡ hiện tại khoảng 2 – 4con/kg.

Mô hình nuôi lươn không bùn hiện đang được nuôi ở các tỉnh Miền Tây Nam Bộ, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu một số hộ dân đang có nhu cầu nuôi mô hình này và hầu hết các hộ nuôi đều theo hướng tự phát. Để đáp ứng nhu cầu nuôi lươn không bùn của các hộ dân trên địa bàn tỉnh, dự kiến năm 2014, bên cạnh công tác tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi lươn cho bà con trong tỉnh, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ triển khai xây dựng mô hình trình diễn nuôi lươn không bùn để người dân trực tiếp tham quan học hỏi phương pháp thiết kế, chuẩn bị bể nuôi và nắm bắt quy trình nuôi cụ thể, từ đó có thể dễ dàng áp dụng vào thực tế của từng hộ nuôi.

Vừa qua Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức 01 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi lươn cho các hộ có nhu cầu nuôi lươn tại xã Láng Lớn nhằm chuyển giao kỹ thuật nuôi và khuyến cáo người nuôi cần lưu ý như sau:

– Bể nuôi: Xây tường gạch, mặt trong ốp gạch men/gạch tàu (để tránh cho lươn bị trầy xước). Tuyệt đối không để lươn thoát ra ngoài trong quá trình nuôi.

– Con giống: Sử dụng con giống chất lương tốt, mua ở những địa chỉ tin cậy. Trước khi thả vào bể, lươn phải được sát trùng bằng cách tắm với nước muối loãng nồng độ 3 – 5‰ trong 15 phút. Giai đoạn mới thả giống, lươn bị sốc và bỏ ăn do thay đổi môi trường đột ngột vì vậy phải bỏ đói lươn 3 – 4 ngày. Lươn có kích cỡ nhỏ cần phải được ương nuôi trong bể nhỏ có đặt các chùm dây nylon làm giá thể trước khi thả vào bể nuôi thương phẩm.

– Cho ăn: Lươn là loài ăn tạp nhưng thiên về thức ăn có nguồn gốc động vật nên có thể phối trộn thức ăn cho lươn theo công thức 90% cá biển (hoặc cá tạp, thịt ốc bươu vàng…) xay nhuyễn và 10% cám để tạo thành hỗn hợp có độ kết dính. Cho lươn ăn 1 – 2 lần/ngày với tỷ lệ thức ăn khoảng 5 – 8% khối lượng thân (tùy thuộc vào giai đoạn nuôi). Trong quá trình cho ăn, quan sát lươn bắt mồi để có thể điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp và vớt thức ăn thừa sau khi cho ăn 30 – 45 phút để hạn chế ô nhiễm nước.

– Thay nước: Do nuôi với hình thức thâm canh và đặc điểm lươn là loài thủy sản da trơn nên rất mẫn cảm với môi trường sống. Vì thế phải thay nước bể nuôi lươn mỗi ngày (100%) sau khi cho lươn ăn 3 giờ để giữ nước bể nuôi luôn sạch. Duy trì mực nước vừa ngập các giá thể (khoảng từ 30 – 40 cm).

Đoàn Văn Nam – TTKNKN Bà Rịa-Vũng Tàu – Khuyến nông VN, 03/10/2013

An Hòa (Tây Ninh): Kinh nghiệm nuôi lươn không bùn

Cách đây vài ngày, ông Nguyễn Chánh Thành, Chủ tịch Hội nông dân xã An Hòa (Trảng Bàng – Tây Ninh) thu hoạch đợt lươn.

Ông Thành kiểm tra chất lượng lươn nuôi.

Sau một thời gian tìm hiểu nghề nuôi lươn, năm 2009, ông Thành quyết định cải tạo chuồng nuôi heo thành các hồ nuôi lươn. Năm đầu tiên ông làm thí điểm 3 hồ nuôi lươn, với kích cỡ mỗi hồ là 6m2 (2m x3m). Sau đó ông xuống chợ đầu mối Bình Điền (thành phố Hồ Chí Minh) mua 800kg lươn giống với giá 50.000 đồng/kg về thả nuôi. Bước đầu, do chưa có kinh nghiệm nên lươn bị hao hụt nhiều, nhưng những con còn lại cũng phát triển tốt. Sau 8 tháng thả nuôi, ông Thành thu hoạch lươn. Từ đó, sang năm 2010, ông Thành mua vật tư về cải tạo toàn bộ chuồng nuôi heo thành 10 hồ nuôi lươn và thả nuôi 1.800kg lươn giống. Lươn giống ông cũng mua loại lươn xô từ chợ Bình Điền. Theo ông Thành, mua lươn giống loại này rẻ, tuy nhiên tỷ lệ hao hụt khá cao. Bình quân mỗi đợt nuôi lươn (từ 8- 9 tháng), gia đình ông Thành thu lãi được khoảng 80 triệu đồng.

Ông Thành cho biết thêm, việc nuôi lươn không bùn trong hồ nước sạch cũng khá dễ dàng. Sau khi xây hồ xong, cần vệ sinh hồ cho sạch. Sau đó thả 3 vĩ làm bằng cây le (giống như đóng vạt giường) chồng lên nhau vào hồ để làm chỗ cho lươn nằm và thả mồi cho lươn ăn. Thức ăn cho lươn là cá biển xay. Mỗi ngày cho lươn ăn một lần, vào một giờ nhất định. Và mỗi ngày phải thay nước hồ nuôi một lần, sau khi cho lươn ăn khoảng 5 giờ. Nước xả ra từ các hồ nuôi lươn được cho xuống một cái hồ ngầm. Dưới hồ này thả nuôi cá trê lai. Cá trê lai là loại chịu ăn tạp, nó sẽ ăn hết thức ăn thừa của lươn được xả ra. Từ đó người nuôi không cần phải cho cá trê lai ăn mà vẫn có thêm nguồn thu nhập.

D.H (Báo Tây Ninh, 10/06/2013)

Nông dân sáng kiến: Nuôi lươn không cần bùn

Anh Nguyễn Văn Hoàng (xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM) là một điển hình “Nông dân SXKD giỏi” cấp thành phố. Anh cũng là người đầu tiên ở Củ Chi nghĩ ra cách nuôi lươn mới, không cần bùn đem lại hiệu quả cao. Sáng kiến của anh đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm, giúp người chăn nuôi lươn rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí thức ăn.

Anh lặn lội xuống tận An Giang để học hỏi và mua giống về nuôi thử. Lúc đầu anh cũng nuôi theo cách truyền thống, cho bùn vào bể, bơm nước và cho lươn giống vào. Sau 12 tháng vừa nuôi vừa nghiên cứu, lứa lươn đầu tiên cũng tới ngày thu hoạch.

Nuôi lươn trong bồn bằng cây bắp khô

Nhờ nuôi lươn không bùn, mỗi năm anh Hoàng “hốt bạc” 1 tỷ đồng

Nhưng lươn nuôi trong bùn bị chết gần hết mà anh không biết, vừa bước vào nghề đã bị thất bại.

“Năm 2008 một lần nữa tôi lại khăn gói đi một số tỉnh ở miền Tây, tham quan một số cơ sở nuôi lươn và tiếp tục mua giống về nuôi. Rút kinh nghiệm từ bài học thất bại đầu tiên, lần này tôi làm bài bản hơn; đặc biệt không sử dụng một tí bùn nào. Tận dụng 2 chuồng nuôi heo, sửa chữa lại và ốp gạch men, vừa chống thấm nước vừa không cho lươn bò ra ngoài. Ở dưới đáy bể có để ống thoát nước, ở trên có gắn đường nước vào.

Trước khi thả lươn giống, bơm nước vô ngâm bể 1 tuần rồi rửa sạch, xả hết nước và bơm nước mới vào. Trong bể có đóng 3 cái giàn làm bằng tre để cho lươn trú ẩn, sau đó tiến hành thả lươn giống. Khi thả lươn vào bể 2 – 3 ngày đầu không cho lươn ăn, để lươn tự thích nghi với môi trường. Thời gian đầu cho lươn giống ăn trùn quế, sau 1 tháng cho ăn cá biển xay nhỏ, cứ thế cho ăn, tháo xả nước thường xuyên và chờ tới lúc thu hoạch, anh Hoàng chia sẻ.

Qua quá trình nuôi lươn không bùn, anh Hoàng nhận thấy lươn không bị bệnh, mau lớn, suốt thời gian nuôi không phải tốn một đồng thuốc thú y nào, giảm được rất nhiều công lao động như công lấy bùn, cho ăn, thu hoạch. Đặc biệt rút ngắn thời gian nuôi từ 3 – 4 tháng. Nếu so sánh giữa nuôi truyền thống và nuôi không bùn thì nuôi không bùn nhàn hơn.

Nuôi lươn theo cách truyền thống từ khi thả con giống đến khi thu hoạch là 12 tháng. Nuôi không bùn thì chỉ mất 6 – 8 tháng là xuất bán, giúp người nuôi tiết kiệm tiền chi phí thức ăn, thuốc thú y, phù hợp cho nhu cầu tiêu thụ lươn sạch, hiệu quả kinh tế cao gấp 5 – 6 lần.

Anh Hoàng kể, từ thành công ban đầu, tôi mạnh dạn mở rộng thêm diện tích nuôi, tính đến nay đã có 3 cơ sở nuôi lươn với tổng diện tích khoảng 1.200 m2. Trong đó có 700 m2 làm khu ương giống, còn lại 500 m2 nuôi thương phẩm.

Năng suất đạt được 400 kg lươn/1 chuồng rộng 6 m2.

HIẾU CẦU (Nông Nghiệp VN, 13/06/2013)

Kinh nghiệm nuôi lươn trong bồn nylon

Ông Nguyễn Văn So, ở ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành (An Giang) là một trong những người mạnh dạn nuôi lươn trên cạn ở ĐBSCL. Năm 2001, ông So thử dùng bạt nylon loại dày không thoát nước để lót nuôi trên cạn, thay thế cho hồ xây bằng gạch, xi măng (chỉ dùng cây cắm xung quanh để giữ bồn nuôi không bị nghiêng chảy nước ra ngoài). Thấy có hiệu quả, ông đã nhân lên 4 bồn, diện tích 150 m2, thả nuôi 250 kg lươn giống (loại 35 con/kg), chỉ sau 6 tháng nuôi, ông So bắt đầu thu hoạch lời 14 triệu đồng. Không dừng lại đó, ông So đã tăng lên hai vụ trong năm, cho đến nay ông có 9 bồn nuôi lươn trước nhà. Thu nhập từ con lươn đạt từ 76 – 80 triệu đồng/năm.

Kỹ thuật làm bồn nuôi lươn:

Nên chọn nơi khu vực đất cao, hướng về phía mặt trời, tránh gió bão, nguồn nước phong phú, chất lượng nước tốt. Diện tích xây bồn từ 10 – 30 m2 là thích hợp nhất, chỉ cần mua bạt nylon không thấm nước là có thể xây dựng thành bồn nuôi. Chiều cao mỗi bồn từ 1 – 1,3 m, bỏ đất ruộng (đang canh tác) vào trong hồ lươn khoảng 1/2 – 2/3 diện tích để cho lươn chui vào đó cư trú. Nên độn thêm rơm, cây chuối mục để tạo môi trường tốt hoặc cho lục bình hay trồng rau mác, rau dừa vào trong hồ để tạo bóng râm trong bồn. Mực nước trong bồn nuôi từ 20 – 30 cm, mực nước sâu quá, ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của lươn. Lươn là loài không ưa ánh sáng nên trước khi bố trí bồn nuôi, phải có mái che hoặc làm giàn trồng cây leo tránh được sự thay đổi môi trường một cách đột ngột.

Chọn con giống:

Nguồn lươn ngoài tự nhiên càng lúc càng cạn kiệt, việc sinh sản nhân tạo của lươn hiện nay còn rất hạn chế, đa phần người nuôi phải mua của người dân xúc ủ, đặt trúm, đánh bắt bằng xung điện…

Lươn có 3 loại (theo màu sắc). Loại I: lươn có màu vàng sẫm, phát triển tốt nhất. Loại II: màu vàng xanh, phát triển bình thường. Loại III: màu xám tro, chậm lớn. Kích thước lươn giống thả nuôi tốt nhất 40 – 60 con/kg. Lươn giống thả nuôi phải đồng cỡ, không bị sây sát, khỏe mạnh. Mật độ thả nuôi tốt nhất từ 60 – 80 con/m2.

Cách cho ăn:

Lươn nuôi cần phải trải qua quá trình thuần hóa để quen với thức ăn. Giai đoạn từ 7 – 10 ngày đầu cho lươn ăn giun đất vào buổi tối. Sau đó, từ từ tập cho lươn ăn sớm hơn, khi lươn ăn mạnh, có thể cho ăn hai lần/ngày. Thức ăn cho lươn chủ yếu là các loại cá đồng, ốc bươu vàng, cua hoặc cá biển mua về xay ra cho ăn. Trong quá trình chăm sóc, khi cho lươn ăn, cần phải nắm vững nguyên tắc “4 định”: (định chất, định lượng, định thời gian, định vị trí) để điều chỉnh thức ăn cho hợp lý. Không nên cho lươn ăn thức ăn bị hôi thối, thức ăn dư trong bồn từ 1 – 2 giờ nên vớt bỏ ra ngoài, nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước. Khi lươn trưởng thành, trung bình mỗi ngày cho lươn ăn một lần.

Lươn mới thả vào 7 ngày cho thay nước một lần, khoảng trên 2 tháng, 4 ngày thay nước, hàm lượng oxy trên 2 mg/lít. Lươn kỵ nước bẩn.

Bình luận

Bản quyền © 2019.