Trồng Tiêu trên cây cao su làm nọc sống – Sáng kiến mới

Cập nhật lúc:20/06/2019, 10:32

Trước tình hình giá mủ cao su bất lợi, một số hộ dân trồng cao su tại tỉnh Đắk Nông đã có sáng kiến lạ: Thay vì chặt bỏ vườn cây, họ rong tỉa cành cây cao su để làm trụ sống trồng hồ tiêu.

Ước tính, toàn tỉnh Đăk Nông hiện có 32.260 ha cao su, nhưng trước tình hình giá mủ bất lợi, nhiều vườn cho năng suất mủ thấp không đảm bảo được mức đầu tư, nhiều hộ gia đình đã nảy ra sáng kiến mới. Thay vì “trồng – chặt, chặt – trồng”, nhiều hộ đã thực hiện rong tỉa cành cao su để chuyển sang làm trụ trồng tiêu.

Ông Hoàng Văn Nam (xã Nghĩa Thắng, Đăk R’lấp, Đăk Nông) có hơn 3 ha cao su trong thời kỳ thu hoạch nhưng do giá mủ xuống thấp, không đủ bù chi phí khai thác nên ông Nam dự định bán lấy gỗ để chuyển sang trồng tiêu.

“Lúc đầu tôi định bán cây cao su để làm gỗ bao bì, nhưng với hơn 3 ha cao su mà thương lái chỉ trả có 27 triệu đồng. Tính tới tính lui thế nào cũng lỗ nặng nên tôi chọn cách dùng thân cây cao su để làm trụ tiêu thay vì chôn trụ bê tông. Trước đó, tôi cũng đã xuống giống vài trụ tiêu quanh gốc cao su, thấy cây phát triển bình thường nên tôi không ngần ngại trước việc chuyển đổi này”, ông Nam cho biết.

Tiên phong trong phong trào tận dụng gốc cây cao su để trồng hồ tiêu, hộ gia đình anh Quách Xuân Đương (xã Đăk R’Moan, TX Gia Nghĩa) đã rong tỉa cành, hãm ngọn để dùng thân cây cao su làm trụ sống cho hồ tiêu gần hai năm nay.

Được biết, gia đình anh có hơn 4.000 cây cao su gần 5 năm tuổi, chưa bước vào thời kỳ khai thác nhưng trước tình hình giá mủ cao su xuống thấp, anh đã nhanh nhạy chuyển hướng mới cho cây trồng.

Anh Đương chia sẻ: “Trước khi trồng, tôi cũng đã tìm hiểu kỹ thông tin ở một số địa phương và nhờ trạm bảo vệ thực vật địa phương tư vấn. Hiện tại tôi đã trồng được 500 trụ tiêu hai năm tuổi, cây sinh trưởng phát triển tốt, trong mùa mưa này tôi chuẩn bị xuống giống thêm 200 trụ nữa. Để đảm bảo cho cây tiêu phát triển tốt, người trồng cần cải tạo đất và chặt bỏ phần rễ phụ chỉ chừa lại rễ cọc để không làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây hồ tiêu”.

Cần thận trọng chuyển đổi diện tích

Hiện tại chưa có vườn hồ tiêu sử dụng cao su làm trụ sống cho kinh doanh, nhưng ở các khu vực trồng cây cao su kém hiệu quả như ở Đăk Song, Tuy Đức người dân đang ồ ạt chuẩn bị xuống giống hồ tiêu bên gốc cao su.

Ông Cao Minh Trí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Hạnh (huyện Đăk Song, Đăk Nông) cho biết: “Những năm trước đây do giá mủ cao su tăng cao nên người dân trong xã đều đổ xô trồng cây cao su. Nhưng khu vực này lạnh, ở độ cao nên cao su trồng không có mủ.

Trước thực tế này, nhiều hộ dân đã tận dụng gốc cao su để trồng tiêu từ năm trước. Nhận thấy cây tiêu phát triển xanh tốt nên trong mùa mưa năm 2014, nhiều hộ cũng có ý định rong tỉa cành để chuẩn bị cho việc trồng tiêu”.

Một số bà con nông dân cho rằng, việc sử dụng cây cao su làm trụ cũng giúp các chủ vườn tiết kiệm được rất nhiều chi phí, khi giá thành trụ bê tông đang tăng cao tới 250.000 đồng/trụ.Ông Phạm Quang Vượng, Phó phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Đăk R’lấp cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn huyện có hơn 50 ha cao su được người dân chuyển đổi sang làm trụ trồng tiêu. Trước tình trạng này, huyện đã phối hợp với Trạm bảo vệ thực vật cử cán bộ xuống hướng dẫn trực tiếp cho bà con. Hiện phòng cũng đang khuyến cáo bà con nên cân nhắc khi trồng tiêu vào gốc cao su, để tránh gây tổn thất khi cây bị dịch bệnh hay vượt ngưỡng cung quá cầu”.

Theo nguyên lý, cây tiêu rất thích hợp với cách trồng tự nhiên, tức sử dụng các trụ cây sống để cây tiêu leo bám. Việc lớn tự nhiên, chiều cao từ 8 – 10 mét (thay vì trụ chết cao 4-5 mét) và có tán cây che bóng mát của các trụ sống cũng khiến cây tiêu sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao hơn.

Vì vậy, ngoài các cây họ đậu, cây cao su cũng là một trong những cây thân gỗ có thể dùng làm trụ thay thế cho muồng đen, keo sản, anh đào, lồng mức…

Để đảm bảo tỉ lệ sống của cây hồ tiêu khi trồng vào cao su, ông Vượng cho biết thêm: “Trước khi trồng tiêu, bà con cần phải đào hố rộng quanh gốc cao su sau đó chắn hai phần ba số lượng rễ cây, sau đó xử lí đất bằng hỗn hợp vôi sống trước 3 tháng. Trước lúc trồng một tuần nên bón lót các loại phân hữu cơ có trộn thêm ít lân và kali.

Để đảm bảo ánh sáng cho cây tiêu sinh trưởng, phát triển tốt, vào mùa mưa cần rong chặt 75% tán cây cao su, vào mùa hè chỉ cần tỉa thưa thêm khoảng 50% nữa là được. Đặc biệt trong quá trình chăm sóc, bà con nên sử dụng các loại phân sinh học để có lợi cho đất và hạn chế dịch bệnh”.

Hồ tiêu là cây trồng khó tính và chưa ai khẳng định hiệu quả kinh tế khi sử dụng cây cao su làm trụ, nhất là cao su đã đưa vào khai thác một vài năm. Nhưng với cái lợi trước mắt, người nông dân vẫn chấp nhận “đánh cược” và đang mong chờ một kết thúc có hậu từ sự kết hợp này.

2 năm vừa qua, giá hồ tiêu liên tục tăng, trong khi  giá mủ cao su, cà phê, điều lại giảm khiến nhiều nông dân trên địa bàn huyện Bù Đốp đua nhau chặt bỏ để trồng tiêu. Thực tế trên lại một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo về việc sản xuất theo kiểu phong trào và vòng luẩn quẩn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

CHẠY ĐUA THEO PHONG TRÀO

Ông Trần Văn Lương, Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp Tân Phong, xã Tân Thành cho biết: “Thời gian qua, do giá hồ tiêu tăng cao nên rất nhiều hộ dân ở đây chặt bỏ cao su, cà phê để trồng tiêu và đó là những hộ có diện tích dưới 2 ha”. Ông Lương dẫn chúng tôi đi dọc theo các tuyến đường trong ấp, có rất nhiều diện tích cây cao su, cà phê bị người dân chặt bỏ không thương tiếc. Ông Nguyễn Văn Hoàn (60 tuổi), một nông dân có kinh nghiệm nhiều năm trong thâm canh cây trồng, cho biết: “Trước đây gia đình tôi trồng 5 sào tiêu, nhưng năm 2005 giá tiêu giảm mạnh, trong khi giá cao su liên tục tăng nên tôi phá tiêu trồng cao su. Cuối năm ngoái, mặc dù vườn cao su mới cho thu hoạch năm thứ hai nhưng giá giảm mạnh nên tôi đã chặt bỏ để trồng lại tiêu”. Theo cách tính của ông Hoàn, hồ tiêu trồng trên đất Tân Thành cho năng suất khoảng 5 tấn/ha. Với giá hiện nay 130 ngàn đồng/kg tiêu thì mỗi năm thu nhập trên 600 triệu đồng/ha. Trong khi 1 ha cao su chỉ cho thu nhập hơn 60 triệu đồng/năm, bằng 1/10 hồ tiêu.

Nhiều hộ dân đã trồng tiêu dưới gốc cao su, chờ tiêu bén sẽ chặt ngọn cao su

Anh Hoàng Văn Long (30 tuổi) có 0,4 ha cao su 7 năm tuổi đã cho thu hoạch năm thứ hai, nhưng thu không đủ chi nên anh cũng chặt bỏ để trồng tiêu. Thậm chí ở xã Tân Thành có hộ còn nghèo nhưng vì “phong trào chung” nên cũng nhắm mắt làm theo. Anh Lý A Sập (32 tuổi) thuộc diện hộ nghèo, năm 2004 anh được Nhà nước hỗ trợ giống trồng 2 ha cao su. Đến nay vườn cao su xanh tốt và đang cho thu hoạch. Nhưng do so sánh trồng cao su không thu lợi bằng tiêu nên anh vay tiền mua giống trồng tiêu trên diện tích cao su. Thay vì phải chặt hẳn cây cao su thì anh Lý A Sập lại tận dụng gốc cao su làm trụ tiêu, vì anh không có kinh phí để mua trụ mới. Khoảng đầu mùa mưa năm nay khi cây tiêu bén xanh anh sẽ chặt ngọn cao su cho cây tiêu phát triển.

Ở xã Tân Thành nhiều diện tích cà phê đã bước vào thời kỳ già cỗi cũng bị chặt bỏ để trồng tiêu, như hộ ông Nguyễn Văn Đức có 8 ha cà phê nay đang dần chuyển đổi…. Ở ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến nhiều hộ dân cũng vì lợi ích trước mắt mà chạy theo phong trào. Ông Trần Văn Tuân, Trưởng ấp cho biết, trước đây đa số người dân đều trồng tiêu, nhưng đến năm 2005, 2006 giá tiêu xuống thấp, cộng với dịch bệnh nên đã chuyển sang trồng cao su. Nay cao su mất giá lại chặt để trồng tiêu. Riêng đầu năm nay đã có hàng chục hộ chuyển đổi cây trồng.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp, năm 2012 diện tích cây hồ tiêu trong toàn huyện tăng 198 ha so với năm 2011 (2.007/1.809 ha). Và với xu thế như hiện nay thì con số sẽ còn tăng lên rất nhiều.

NHỮNG HỆ LỤY KHÓ LƯỜNG

Thực tế cho thấy nhiều hộ có diện tích đất ít nhưng nhiều lao động thì việc chuyển đổi mục đích đã góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân khi được mùa, được giá. Tuy nhiên, vì cái lợi trước mắt, nông dân đã ồ ạt chuyển đổi cây trồng mà không quan tâm đến đặc điểm thổ nhưỡng, kỹ thuật chăm sóc, diễn biến thị trường và tình hình dịch bệnh. Hậu quả đã có không ít gia đình phải “ôm trái đắng”.

Là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh với 35 năm kinh nghiệm trong thâm canh cây trồng, thế nhưng năm 2011, gia đình ông Trần Văn Tuân (Trưởng ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến) phải “sốc” khi dịch bệnh đã làm chết gần 3.000 nọc tiêu đang cho thu hoạch. Ông Tuân cho biết: “Mặc dù tôi đã sử dụng mọi biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ bệnh nhưng không thể cứu vãn”. Theo ông đây là bệnh dịch chết nhanh (phát tán nhanh, chết cũng nhanh). Loại bệnh này gieo họa mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm và không thể kiểm soát được. Hiện bệnh dịch này chưa có thuốc đặc trị và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Cùng thời điểm đó hộ ông Nguyễn Xuân Hữu (ấp phó) cũng bị chết gần 2.000 nọc, hộ ông Bùi Quốc Hồng chết 600 nọc…

Trong mấy năm trở lại đây thời tiết luôn biến động thất thường nên lũ lụt, hạn hán thường xuyên xảy ra, trong khi cây tiêu lại là cây chịu úng, chịu hạn kém. Vì thế, nếu trồng tiêu ở khu vực không chủ động được nguồn nước tưới, tiêu thì thất bại là khó tránh. Hơn nữa, tiêu là loại cây trồng đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn so với các loại cây khác. Theo ông Tuân, để đầu tư 1 nọc tiêu cho đến khi thu hoạch, nông dân phải mất 1 triệu đồng, còn nếu 1 ha thì phải tốn tiền tỷ. Vì thế nếu “thuận buồm xuôi gió” thì thu hồi vốn nhanh, còn không thì sạt nghiệp.

Chuyện người dân đua nhau trồng khi được giá, rồi chặt bỏ khi rớt giá cứ tiếp diễn không biết bao nhiêu lần. Việc chạy theo cái lợi trước mắt không tính đến hệ lụy về sau có thể khiến các hộ nông dân đối diện với nhiều nguy cơ như chất lượng sản phẩm không đạt ảnh hưởng đến thương hiệu. đặc biệt là nông dân không tỉnh táo để nhận ra biến động ảo của lợi nhuận khi cung vượt cầu… và người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất vẫn là họ.

CÁC NGÀNH CHỨC NĂNG SỚM VÀO CUỘC

Làm giàu là khát vọng chính đáng của người nông dân, vì thế việc chạy theo số đông là điều dễ hiểu, bởi cho đến nay vẫn chưa có một cơ quan chức năng nào đứng ra chịu trách nhiệm, định hướng, bảo trợ đầu ra cho nông dân trước mọi diễn biến của thị trường và hình như từ trước đến nay chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Đon, Phó giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, hiện ngành vẫn dừng lại ở việc khuyến cáo mà chưa có kinh phí để xây dựng và thực hiện đề án quy hoạch vùng chuyên canh cây hồ tiêu. Tuy nhiên theo ông Đon, nếu có xây dựng đề án cũng khó thực hiện vì phần lớn diện tích hồ tiêu do người dân tự trồng và quản lý, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Để nông dân ổn định và có điều kiện làm giàu trên mảnh đất của mình đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, mang tính chiến lược lâu dài của các cấp, ngành và cả người nông dân.

Bình luận

Bản quyền © 2019.