Mô hình trang trại V.A.C (vườn – ao chuồng) Kiếm 1 tỉ/năm ở Lâm Đồng
Cập nhật lúc:20/06/2019, 10:18
Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ anh đã biến mảnh đất đồi dốc, sỏi đá tại quê nhà thành mô hình kinh tế V.A.C mỗi năm cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng.
Sau khi học xong trung cấp thú y, anh Phạm Văn Hoạt đã trở về gắn bó với vườn, rẫy của gia đình.
Nhà nông trẻ Phạm Văn Hoạt, sinh năm 1984, ở thôn Đắk Măng, xã Đạ R’sal, huyện Đam Rông (Lâm Đồng). Sau khi học xong trung cấp thú y, anh quyết định không theo chuyên nghành mình đã chọn mà trở về quê làm nông nghiệp. Năm 2008, anh Hoạt lập gia đình và được bố mẹ cho ra ở riêng và chia cho 2,3 ha đất đồi dốc, cằn cỗ.
Từ những diện tích đất vườn ấy, anh đã tập trung vào trồng và chăm sóc cây cà phê. Vì là đất đồi cao, dốc nên việc chăm sóc cà phê tốn công sức và tương đối vất vả lợi nhuận không được bao nhiêu.
Kinh tế của đôi vợ chồng trẻ mới ra riêng tự lập khá eo hẹp, lại thêm thiếu kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp nên khó khăn chồng chất. Nhưng gia đình nhỏ của anh vẫn phải bám trụ vào đồi cà phê cằn cỗi để sinh sống.
Sau nhiều trăn trở, anh Phạm Văn Hoạt nghĩ không thể để cái nghèo đói mãi bủa vây gia đình mình. Do đó, anh đã suy nghĩ phải tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp thì mới nâng cao được thu nhập. Nghĩ là làm, anh bắt tay vào tìm tòi, học hỏi cộng với vốn kiến thức đã học được ở trường, năm 2012 anh Hoạt đã quyết định xây dựng mô hình trang trại V.A.C (vườn – ao chuồng) khép kín.
Thế nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, để thực hiện được mô hình này cần phải có vốn, diện tích mặt bằng, kiến thức kinh nghiệm. Khó khăn là vậy, nhưng với niềm đam mê của tuổi trẻ, dám nghĩ dám làm anh đã vay mượn, tích góp tiền bạc mua thêm đất. Sau đó, tìm hiểu kiến thức qua tài liệu, sách, báo cũng như tham gia các lớp tập huấn để thực hiện ý tưởng của mình.
Sau nắm vững các kiến thức, anh Hoạt quyết định thế chấp diện tích đất đang canh tác của gia đình để vay ngân hàng hơn 90 triệu đồng làm vốn đầu tư vào sản xuất.
Anh Phạm Văn Hoạt chia sẻ: “Ban đầu tôi đã chú trọng đầu tư vào những loại cây, loại con có khả năng cho thu nhập trong thời gian ngắn như nuôi gà thả vườn, nuôi heo, trồng đậu… để có vốn đầu tư vào những loại cây trồng dài ngày như cà phê. Sau đó tiếp tục đào ao thả cá và mở rộng quy mô chuồng trại để phát triển chăn nuôi, bên cạnh đó trồng xen các loại cây ăn trái trong vườn cà phê”.
Sau một thời gian, mô hình kinh tế V.A.C của anh Hoạt cũng dần lộ rõ. Hiện tại, trong trại của anh có hơn 6 ha cà phê cùng 400 gốc cây ăn trái như sầu riêng, bơ, chôm chôm, mít… trồng xen trong vườn và 2000m2 ao nuôi cá.
Ngoài ra, diện tích chuồng trại của gia đình anh là trên 200m2 nuôi hơn 100 con heo thịt và 5 con heo giống. Bên cạnh đó, anh Hoạt còn đầu tư thả gà, vịt nuôi trong vườn với mức đàn là 200 con.
Nhờ hiệu quả từ mô hình, trong 3 năm trở lại đây đã giúp gia đình anh thu nhập bình quân ổn định với mức khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm, trừ tất cả chi phí gia đình anh còn lãi 500 triệu đồng/năm, đời sống gia đình ngày một nâng cao. Đối với mức thu nhập này ở vùng đất đồi núi, cằn cỗi của xứ Đam Rông là điều ít ai dám nghĩ tới, thế nhưng anh Hoạt đã làm được.
“Cũng nhờ mô hình kinh tế V.A.C mà gia đình tôi nâng cao thu nhập đời sống. Lợi ích của V.A.C là tạo nên một vòng tròn khép kín. Vườn cung cấp một phần thức ăn cho chăn nuôi. Chuồng cung cấp phân bón cho cây cà phê. Ao cung cấp nước tưới và bùn làm tăng chất lượng đất cho cây cà phê… đồng thời cung cấp nguồn thức ăn cải thiện trong gia đình, tất cả đều đem lại thu nhập xoay vòng ổn định”, anh Hoạt chia sẻ thêm.
Không chỉ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình, nhà nông trẻ Phạm Văn Hoạt còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và giúp đỡ mọi người xung quanh, đặc biệt là đoàn viên thanh niên người đồng bào dân tộc tại địa phương.
Hiện anh Phạm Văn Hoạt đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 thanh niên và giúp cho 10 lao động mùa vụ tại địa phương có việc làm ổn định.
Bước đầu thành công từ mô hình kinh tế V.A.C của đoàn viên Phạm Văn Hoạt, đã được Ban Thường vụ Huyện đoàn Đam Rông chọn là mô hình phát triển kinh tế thanh niên tiêu biểu trên địa bàn huyện và cần được nhân rộng.
Anh Ndu Ha Biên – Bí thư Huyện đoàn Đam Rông (Lâm Đồng), chia sẻ: mô hình kinh tế V.A.C của anh Hoạt là một mô hình kinh tế tiêu biểu tại địa phương. Từ thành công của mô hình này đã giúp cho gia đình anh Hoạt nâng cao thu nhập đời sống và tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều thanh niên trong vùng.
“Đây cũng là địa chỉ để nhiều nhà nông trẻ là đoàn viên, thanh niên của chúng tôi đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ định hướng tiếp tục xem xét để nhân rộng mô hình này đến với đông đảo các bạn đoàn viên thanh niên trên địa bàn, để họ phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng trên quê hương mình”, anh Ndu Ha Biên cho biết thêm.
Mô hình Vườn – Ao – Chuồng (VAC)
Đây là mô hình trang trại quen thuộc của nông dân Việt Nam. VAC là một mô hình thâm canh sinh học cao, trong đó trồng trọt và nuôi trồng thủy sản cũng như chăn nuôi gia súc gia cầm là chính, có quan hệ khắng khít với nhau, tạo nên một một hệ thống canh tác tổng thể, giúp sử dụng hợp lý và tốt hơn nguồn đất đai, nguồn nước và năng lượng mặt trời để đạt tới hiệu quả kinh tế cao với mức đầu tư thấp.
Tiêu biểu cho mô hình kinh tế hiệu quả này là trang trại của Ông Nguyễn Trọng Bộ, thôn Tân Tự, xã Đông Tân, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông đã kết hợp nuôi heo, cá, gia cầm và trồng cây hoa màu, cây ăn quả với nhau. Bên cạnh đó ông còn mở dịch vụ câu cá thư giãn. Vài năm trở lại đây, trừ đi chi phí thì số lãi ổn định mà ông thu được thường ở mức 200 – 300 triệu đồng/năm.
2. Biến thể của mô hình VAC
Từ mô hình VAC nói trên, những người nông dân giỏi giang của chúng ta đã mở rộng bất động sản của họ để đầu tư, phát triển nhiều mô hình khác như Vườn – Ao – Hồ, Vườn – Ao – Chuồng – Ruộng, Vườn – Ao – Chuồng – Rừng. Sau đây chúng ta sẽ đi tìm hiểm thêm về những mô hình trang trại hiệu quả “đặc biệt” này.
Vườn – Ao – Chuồng – Ruộng (VACR)
VACR là mô hình kinh tế trang trại kết hợp nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản với trồng cây ăn trái và trồng lúa nước. Mô hình này thường được áp dụng ở các tỉnh miền Tây và đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa lớn của Việt Nam.
Với mô hình này, gia đình ông Trần Kim Được, trú tại xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu được công nhận là mô hình trang trại thành công được nhiều nông dân đến tham quan học tập kinh nghiệm.
Thành quả lao động của ông là hơn 200 triệu đồng/năm cho việc bán lúa, 35 triệu đồng/năm cho việc bán trái cây, riêng heo và cá cho ông thu nhập gần 15 triệu đồng.
Vườn – Ao – Chuồng – Rừng
Một mô hình kinh tế trang trại khác cũng có tên viết tắt là VACR và được nhiều nông dân các tỉnh vùng rừng núi áp dụng chính là mô hình Vườn – Ao – Chuồng – Rừng. Việc xây dựng và phát triển mô hình trang trại theo hướng tổng hợp VACR này đã giúp nhiều gia đình xóa đói giảm nghèo.
Tiêu biểu cho gương xóa đói giảm nghèo cùng loại mô hình kinh tế hiệu quả này là chàng trai trẻ Hoàng Trung Hiếu, một đoàn viên thanh niên của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Anh đã kết hợp thành công việc nuôi lợn rừng với gà thương phẩm và cá. Không chỉ thế anh còn trồng các loại cây như quế, keo, mỡ…vừa giúp tăng thu nhập cho gia đình vừa góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc. Mỗi năm anh thu về cho mình gần 200 triệu đồng, sau khi đã trừ hết chi phí.
Vườn – Ao – Hồ
Nguyễn Lê Ngọc Chinh, một đoàn viên thanh niên đến từ thị trấn Dương Minh Châu, H.Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh đã cải tiến mô hình trang trại hiệu quả VAC thành mô hình trang trại Vườn – Ao – Hồ.
Khởi nghiệp từ 120 triệu đồng của mẹ, sau khi tham khảo giá nhà đất, Chinh đã tiến hành mua thêm đất để đào ao nuôi cá lóc, xây hồ nuôi ba ba và trồng cây dừa xiêm trên bờ ao. Mô hình kinh tế trang trại này đã mang lại cho chàng trai doanh thu hơn 1,2 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 240 triệu đồng/năm.
Bình luận