Nuôi gà Chạy Bộ thu hàng trăm triệu đồng/năm
Cập nhật lúc:20/06/2019, 10:24
Đó là cách làm của anh Võ Văn Tân, xã Hậu Thành (Cái Bè, Tiền Giang). Trước đây gia đình anh Tân có nuôi gà thả vườn nhưng chỉ vài con đến vài chục con, chủ yếu nuôi để dành khi có đám tiệc, hoặc lễ tết.
Làm chơi mà thu trăm triệu từ nuôi gà “chạy bộ”
Thấy gà thả vườn mau lớn, chất lượng thịt ngon, vốn đầu tư không nhiều và đặc biệt ít dịch bệnh hơn so với nuôi gà theo hình thức công nghiệp, anh bàn với gia đình đầu tư ít vốn sẵn có của gia đình và vay thêm của Ngân hàng Chính sách xã hội về đầu tư vào chăn nuôi gà. Từ đó đến nay, anh Tân gắn bó với nghề nuôi gà thả vườn đã gần 10 năm.
Chỉ vào đàn gà gần 500 con hơn 2 tháng tuổi, đang phát triển tốt. Anh Tân cười tươi nói: “Đàn gà này nếu phát triển bình thường thì khoảng 2 tháng nữa là có thể bán được, con to cũng trên 2kg. Thời điểm cận Tết Nguyên đán nhu cầu người tiêu dùng nhiều, gà hút hàng, giá sẽ tăng cao. Năm nào cũng vậy, tôi canh đợt tết để xuất chuồng, vừa được giá cao, vừa có thêm thu nhập tiêu tết”.
Tùy thời điểm, bình quân mỗi đợt anh Tân nuôi khoảng 400-1.000 con gà. Thức ăn chủ yếu là lúa, bắp, tấm cám và bổ sung thêm cỏ non. Anh Tân cho biết thêm, thông thường gà nuôi khoảng 4 -5 tháng là có thể bán ra thị trường. Nếu chăm sóc tốt, đảm bảo cung cấp đủ thức ăn và nước uống, gà có thể đạt trọng lượng hơn 2kg/con. Giá bán khoảng 60.000 đồng/kg là người nuôi có lãi, nhiều thời điểm khan hiếm, giá gà thịt có thể tăng 100.000 đồng/kg.
Với anh Tân, nuôi gà thả vườn không quá khó, chủ yếu phải tuân thủ tiêm ngừa đầy đủ để phòng tránh một số bệnh thông thường như bệnh gum, dịch tả, thương hàn. Sau mỗi đợt xuất chuồng phải tiến hành vệ sinh vườn, rải vôi bột khử trùng, để vườn trống khoảng một tháng mới bắt đầu thả gà cho vụ nuôi kế tiếp.
Ngoài ra, anh Tân còn tận dụng đất trống trồng thêm mít Thái, măng cụt, nhãn tiêu da bò… vừa tăng thêm thu nhập, vừa có bóng mát cho gà lại có cành cây cho gà leo trèo vận động, giúp gà khỏe mạnh. Hàng năm, sau khi trừ các chi phí, vườn cây ăn trái và việc chăn nuôi gà cũng mang về cho anh gần 100 triệu đồng.
Nuôi gà đi bộ làm giàu
Bạn bảo: “Ông thử viết về gà đi bộ…”. Gà đi bộ? Bây giờ có nhiều cách gọi lắm, chỉ để phân biệt với gà công nghiệp hoặc gà nuôi theo lối công nghiệp. Nào là gà đồi, gà vườn, gà kiến, gà ri, gà tiên yên, gà leo cây, gà (ở) rừng v.v.
Nhớ, lúc nhỏ tôi theo cha vào chơi nhà ông Ba Cân. Ông người Mường, nhà sàn, một mình một nhà ở cả một cánh đồi rộng mênh mông. Khách đến, ông túc túc gọi gà. Không biết chúng ở đâu ùa đến đầy cả khoảng sân trước cửa sổ nhà sàn. Ông tung nắm lúa xuống, chúng xô nhau mổ. Ông lấy cái nỏ, đặt tên. Và “pựt” một cái, một chú gà trống khoảng hơn 1 cân đã dính tên. Lúc lâu sau cha con tôi đã được đãi món gà luộc chấm muối chanh ớt do vợ ông ấy làm. Tôi nhìn quanh quất nhà ông, không thấy chuồng gà, bèn hỏi ông, lũ gà chúng ngủ ở đâu. Ông bảo chúng ngủ ở trên cây. Ông bảo, nếu bỗng thấy con gà mái nào vọt ở đâu đó trong lùm cây ra cục ta cục tác liên hồi, ấy là nó vừa đẻ. Chỗ lùm cây ấy có ổ của nó.
Lại nhớ, cách đây dễ đã 25 năm, tôi vào công tác chỗ anh Ngọc, lúc anh ấy làm Giám đốc Xí nghiệp Than Hoành Bồ. Đi công trường, tít trong rừng sâu, bữa trưa 4 người (tôi, anh Ngọc và hai anh thợ đốt vôi) đánh bay một can 5 lít rượu chua của người Dao Tân Dân với gà mái tơ mua của người Dao, luộc chấm muối chanh ớt, ăn bốc bả, để cả con, ai thích ăn chỗ nào thì xé; say ngất ngây. Gà mái tơ mua của người Dao, luộc chấm muối chanh ớt, hay gà thả rông ở rừng, nhà ông Ba Cân, đó chính là thứ gà mà quý vị gọi là gà đi bộ, hay gà đồi, gà leo cây, gà ở rừng… cũng là nó. |
Tại sao lại phải gọi gà thế nhỉ? Thì như trên đã nói, để nó phân biệt với thứ gà giống ngoại, nào gà tam hoàng, gà rốt ri, gà lơ go, gà lông cú v.v. nuôi nhốt theo lối công nghiệp, tức chúng không phải kiếm ăn mà có thức ăn sẵn cho chúng, nhiều chất bổ tổng hợp, ăn tuỳ thích, để lớn nhanh, chỉ việc ăn để lớn. Thứ gà này xuất hiện ở Việt Nam cũng đã khá lâu, nhưng người xài bản địa không khoái, vì thịt nó ăn chẳng ra sao, mềm và nhạt thếch, có chăng chỉ được món đùi, mà phải đem rán vàng giòn mới gọi là tạm tạm.
Nhưng bạn biết không, người Dao, người Hoa, người Sán Dìu ở vùng miền Đông của tỉnh Quảng Ninh ta có thứ gà nuôi nhốt, cho ăn khác chi gà công nghiệp (cũng có khác chăng, là thức ăn không phải thức ăn công nghiệp có nhiều chất bổ, vẫn là lúa ngô khoai sắn, rau xanh), cũng chỉ việc ăn để lớn, nhưng luộc hay nấu ăn rất ngon. Đó là gà thiến nuôi nhốt trong lồng. Tôi đã xem những lồng gà thiến nuôi nhốt ở nhà ông Tằng Tắng Phúc, người Dao ở huyện Hải Hà. Những lồng gà thiến treo ngang ngực người, một dãy ở hiên chuồng lợn, mỗi lồng một con, con nào con nấy lông đuôi dài óng ánh, to, béo mượt. Nhớ một tết năm ấy, nhân đi với ông Hồng, lúc đó làm ở UBMTTQ tỉnh, đi uý lạo những người có công, tôi mua được một con gà thiến nuôi nhốt, nặng gần 3 cân. Về nhà, ngoài món luộc, còn làm được một nồi đông ra trò. Quý vị nên nhớ, lúc ấy đất nước còn bao cấp, đói khổ, nhờ có con gà thiến nuôi nhốt ấy mà gia đình tôi 4 – 5 người có một cái tết tinh tươm.
Gà công nghiệp nấu đông hoặc rán còn khả dĩ; đem luộc thì dở tệ. Trong khi gà thiến nuôi nhốt, gà đi bộ, gà ri, gà tiên yên… khoái khẩu lại là món luộc chấm muối chanh ớt. Vì thế các loại gà có những tên gọi khác nhau ấy, người thưởng thức hay tìm. Đến Tiên Yên thì tìm gà tiên yên. Vào Hoành Bồ thì tìm gà đồi, gà vườn, gà leo cây. Còn như đến nhà người dân tộc, ở trong rừng thì khỏi nói. |
Tiếp chuyện gà đi bộ, mới đây lại thấy còn có gà mạnh hoạch, gà tươi mạnh hoạch… Chẳng rõ những thứ gà ấy là loại gà nào, hay là tên người có cách chế biến món ăn từ gà theo một cách nào đó?
Còn như đến chuyện sau đây rõ ra là lạ: Cách đây không lâu báo chí đưa tin nhóm soạn từ điển ở Trung Quốc đã đưa từ “gà móng đỏ” vào sách và bị dân chúng phản đối. Quý vị có biết “gà móng đỏ” để chỉ gì không? Chỉ người chứ không phải gà. Nghĩa của từ này ở Trung Quốc cũng giống nghĩa của từ này ở Việt Nam: để chỉ các cô gái bán dâm.Rồi nói rộng ra, không chỉ riêng chuyện gà, lợn cũng có nhiều tên mới để gọi. Như lợn mường, lợn mán, lợn cắp nách, lợn mọi v.v. vừa là để phân biệt với lợn nuôi bằng thức ăn công nghiệp, vừa là một cách quảng cáo khi bán hàng. Những cách quảng cáo như thế nhiều khi cũng thu hút được thực khách.
Nuôi gà rừng lai gà tre thoát nghèo
Nhận thấy gà rừng lai được người tiêu dùng ưa chuộng và giá bán cũng cao hơn gà thường, năm 2011 anh Nguyễn Văn Tiền ở xóm 7, thôn Thượng Giang 1, xã vùng cao Tây Giang (Tây Sơn, Bình Định) đã tìm hiểu kỹ thuật nuôi và xây dựng trại để nuôi gà rừng lai (gà rừng lai gà tre).
Gà rừng “chính gốc” được anh Tiền săn ở các cánh rừng ở địa phương và các vùng lân cận. Mỗi lần đi săn, anh kiếm được vài ba con. Gà tre giống thì anh đặt mua ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Ban đầu anh thả nuôi 1 con gà rừng trống với 3 gà tre mái đẻ. Lứa gà đầu tiên cho ra 16 con gà rừng lai (F1). Nhờ tuân thủ quy trình nuôi gà, đảm bảo con giống tốt nên đàn gà rừng lai của anh Tiền sinh sôi đến nay đã lên đến 150 con.
Anh Tiền cho biết: “Gà rừng lai trưởng thành có trọng lượng từ 0,8 – 0,9kg/ con, con nào có sắc lông đẹp thì làm cảnh, con nào ít đẹp hơn thì bán thịt. Gà cảnh có giá 500.000 đồng/con, gà thịt có giá 150.000 – 200.000 đồng/con. Dù giá bán gà cao, nhưng không đủ cung cấp cho khách hàng. Mỗi tháng gia đình thu về khoảng 5-7 triệu đồng từ gà rừng lai”.
Từ một hộ nghèo ở xã vùng cao, nhờ chí thú làm ăn, thông qua nghề nuôi gà rừng lai, anh Tiền đã dần tích lũy vốn, mới đây anh mở rộng đầu tư nuôi heo với 30 con heo thịt/lứa và 100 con vịt Xiêm (ngan). Cùng với nghề chăn nuôi, anh Tiền còn sáng chế ra máy băm cắt rau cỏ phục vụ cho chế biến thức ăn cho vật nuôi. Anh đã bán được 5 chiếc máy như vậy cho bà con ở địa phương, với giá 2,5 triệu đồng/chiếc.
Nhờ chăm chỉ và sáng tạo trong làm ăn, gia đình anh Tiền đã thoát nghèo từ năm 2013, vươn dần lên cuộc sống khấm khá. Năm 2014 gia đình anh có thu nhập hơn 100 triệu đồng từ các nguồn.
Bình luận