Làm giàu từ nuôi đặc sản như lợn rừng, nhím, chồn hương, chim công, chim trĩ…
Cập nhật lúc:20/06/2019, 10:19
Mô hình nuôi con đặc sản như lợn rừng, nhím, chồn hương, chim công, chim trĩ… từng bước lan tỏa, giúp cho nhiều hộ nông dân Bắc Ninh thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Xã Việt Đoàn (Tiên Du) có một diện tích lớn là đất vườn đồi, nên việc phát triển các loại cây, con phù hợp, cho hiệu quả kinh tế luôn được chính quyền xã và người dân quan tâm. Trong đó, các mô hình nuôi con đặc sản như lợn rừng, nhím, chồn hương, chim công, chim trĩ… từng bước lan tỏa, góp phần quan trọng vào việc giúp cho nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Trước kia, gia đình ông Nguyễn Hữu Khởi, ở thôn Đông Sơn (xã Việt Đoàn, Tiên Du) nuôi gia cầm nhưng do giá cám tăng cao, dịch bệnh nhiều nên ông quyết bỏ chuồng. Năm 2009, trong một lần tình cờ xem phóng sự trên truyền hình về mô hình nuôi chim công của một nông dân ở tỉnh Nam Định, ông Khởi bị thu hút bởi loài chim hoang dã có bộ lông sặc sỡ rất đẹp này nên bàn bạc với gia đình xuống tận nơi mua 20 con chim công mới nở giống Ấn Độ, giá 750.000 đồng/con về nuôi thử. Chim công dễ nuôi, ăn tạp, thức ăn cho chim đơn giản, dễ kiếm, chủ yếu là thóc, ngô, cỏ và rau xanh nên tiết kiệm được chi phí…
Vốn bản tính cần cù, ham học hỏi, ông Khởi tự tìm hiểu những kỹ thuật nuôi chim trên mạng internet, sách báo, cộng với kinh nghiệm nhiều năm nuôi gia cầm nên chim công sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 2 năm chăm sóc, chim công đạt độ tuổi trưởng thành và bắt đầu có khả năng sinh sản. Mỗi con chim công non mới nở được bán với giá 1 triệu đồng, nếu nuôi khoảng 2 năm, con trưởng thành nặng 6 – 7kg, có thể làm giống thì giá lên đến 10 triệu đồng/con. Đàn chim công của gia đình ông Khởi hiện sinh sôi lên đến hàng trăm con, mỗi năm xuất bán khoảng 200 con chim công mới nở, thu về hơn 200 triệu đồng. “Giá công cao nên người tìm mua thường là người có tiền, họ mua chim công thường để làm quà biếu, hoặc mua về chơi cảnh, có người nuôi để sinh sản rồi bán, thậm chí có người mua về để phóng sinh vào các dịp lễ”, ông Khởi cho hay.
Theo báo cáo của Hội Làm vườn huyện Gia Bình, hiện có gần 500 mô hình trang trại, gia trại với thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/mô hình/năm. Trong đó có 39 mô hình nuôi con đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao như ba ba gai, dê, nhím, cá trắm đen… Việc phát triển các mô hình nuôi con đặc sản theo hướng nâng cao chất lượng đã giúp nhiều hộ nông dân nơi đây vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Theo ông Nguyễn Duy Kiếm, Chủ nhiệm CLB Trang trại huyện Gia Bình: Năm 1994, gia đình ông nhận 1ha ruộng trũng để đào ao thả cá và xây dựng trang trại làm vườn trồng cây ăn quả. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, trang trại của gia đình ngày một phát triển, doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 1997, ông đã nuôi thành công mô hình cá rô phi đơn tính, được Bộ Thủy sản đánh giá cao. Đặc biệt, năm 2013, ông Kiếm đã thử nghiệm thành công với mô hình nuôi ba ba gai theo hướng thương phẩm và sản xuất được con giống, tạo thuận lợi và giảm giá thành, mở ra hướng đi mới đầy hiệu quả cho bà con nông dân.
Tại thôn Thiên Đức (xã Thái Bảo, Gia Bình), mô hình chăn nuôi dê của gia đình ông Trần Danh Trưởng cho hiệu quả cao, được nhiều người học tập, nhân rộng. Từ việc đọc sách, báo và tự nghiên cứu rồi mạnh dạn đầu tư vốn mua 13 con dê lai Bách Thảo từ năm 2010, đến nay đàn dê của ông Trưởng lên đến gần 100 con. Dê lai Bách Thảo là loài vật hiền lành, lại rất dễ nuôi, khả năng sinh sản nhanh, chi phí thấp, thị trường tiêu thụ rộng lớn… Dê thịt bán hơi được ông bán với giá 120.000 – 130.000 đồng/kg, dê giống khoảng 3 – 4 triệu đồng/con. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Trưởng thu lãi bình quân 100 triệu đồng.
Nuôi chim công thành tỷ phú
Vào Tây Nguyên lập nghiệp qua nhiều nghề vẫn nghèo, từ khi chuyển sang nuôi chim công bán cho các vườn thú, đại gia và những người chơi chim cảnh, anh Trần Văn Phương, Đắk Lắk mới thắng lớn, lợi nhuận mỗi năm cả tỷ đồng.
Thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, anh Trần Văn Phương rời quê Thái Bình vào tổ dân phố 6, phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk sinh sống. Làm đủ nghề từ đi rừng, khai hoang trồng đậu, cà phê, nuôi gà mà kinh tế gia đình vẫn khó khăn.
Đầu năm 2011, anh Phương tình cờ mua được 4 quả trứng chim công của một người dân nhặt được khi đi rẫy với giá 2 triệu đồng, cho gà ấp thử. Gần 1 tháng sau, ổ trứng nở 4 con chim công rất đẹp. Nuôi mấy tháng, anh bán cho một người quen ở TPHCM với giá 3 triệu đồng/con. “Vì chưa hiểu về kỹ thuật nuôi, trong khi đàn chim công này tôi tự cho ấp nở, không có giấy tờ hợp pháp nên không thể nhân đàn phát triển thành trang trại được”, anh Phương nói.
Sau khi bán đàn chim công, anh tìm hiểu nhiều hơn về loài chim này và thấy nuôi chúng cũng dễ như nuôi gà. Anh Phương bàn với vợ là chị Trịnh Thu Hường, gom góp, vay 30 triệu đồng xuống một trang trại chim công ở Tiền Giang mua 4 con công má trắng. Anh Phương dành ô đất trống 20 m2 phía sau nhà để nuôi công. Mấy tháng sau, 3 con công mái đẻ 35 quả trứng, anh cho gà ấp nở được hơn 20 con. Lứa trứng tiếp, anh Phương mang đi ấp điện tỉ lệ đạt 90%. Rút kinh nghiệm vài lần cho trứng ấp điện, anh tìm ra công thức duy trì nhiệt độ thích hợp để trứng nở tỷ lệ đạt cao. Hơn 1 năm sau, đàn chim công của anh nhân lên cả trăm con.
Đàn công phát triển nhanh, anh làm thêm một trang trại 500 m2 ở huyện Cư M’gar mở rộng mô hình. Gần 3 năm qua, anh Phương cung cấp ra thị trường hàng nghìn con công giống. Cách đây khoảng 2 tháng anh vừa xuất một lứa chim giống thu về hơn 100 triệu đồng. Hiện anh còn gần 200 con công, trong đó có khoảng 20 con chim sinh sản.
“Hiện nay, chim công còn hiếm và đắt, khách hàng chủ yếu là các vườn thú, các đại gia, nhà khá giả mua để nuôi làm cảnh, nên đầu ra của công còn rộng mở, nuôi công ở thời điểm này không chỉ cho thu nhập khá, thậm chí còn làm giàu”.
Anh Trần Văn Phương
Nuôi công dễ như nuôi gà nhưng thu nhập thì cao gấp nhiều lần. Đầu tư ít, chuồng trại đơn giản, nhân giống nhanh, một con công mái đẻ mỗi năm 3 lứa khoảng 30 – 36 quả trứng, cho ấp điện 26 – 30 ngày thì nở nên càng ngày càng có nhiều người đặt mua giống. Hiện anh chủ yếu bán chim giống và phục vụ nhu cầu chơi chim công cảnh. Ngoài khách từ các tỉnh khu vực Tây Nguyên, người chăn nuôi từ Đà Nẵng, Bình Định, Vũng Tàu, Hà Nội cũng liên hệ đặt hàng.
“Tuần trước, có một cụ bà 85 tuổi ở Vũng Tàu liên hệ mua công, gửi 20 triệu mua giống, nhờ tôi hướng dẫn làm chuồng trại. Sau đó bà đón xe lên tận nơi bắt 2 cặp công về nuôi”, anh Phương nói.
Môi trường sạch giúp chim công phát triển nhanh, ít bị bệnh đường ruột và hô hấp. Đối với anh Phương, cách vệ sinh phòng bệnh cho công cũng là bí quyết khiến anh thành công với loài chim này. Song song với việc tiêm phòng cho công như gia cầm, anh thường xuyên rải men vi sinh khắp chuồng trại để phân giải chất thải, khử mùi hôi nên công rất hiếm khi nhiễm bệnh.
Vốn là loài có nguồn gốc hoang dã nên công có sức đề kháng khá tốt, lại không dị ứng với cách nuôi nhốt. Công ăn rất tạp, ngoài thóc, bắp, cám công nghiệp, thức ăn ưa thích của công còn là các cây họ đậu, rau dại, rau muống được rửa sạch, phơi héo, băm nhỏ. Thỉnh thoảng anh cũng chế biến dặm thêm món tươi như cá sống cho công. Ngày cho công ăn 2 lần, buổi sáng cho ăn tinh bột, chiều anh cho công ăn các loại rau đã rửa sạch và phơi héo.
Công lớn nhanh, nuôi nửa năm nặng khoảng 2 – 3kg bán giá 3,5 – 4 triệu đồng/con; chim công trưởng thành nặng 5 – 7kg có giá bán hơn 10 triệu đồng/con. Mỗi năm anh bán vài trăm con chim giống, thu nhập từ công khoảng 700 triệu, có năm thu nhập cả tỷ đồng.
“Hiện nay, chim công còn hiếm và đắt, khách hàng chủ yếu là các vườn thú, các đại gia, nhà khá giả mua để nuôi làm cảnh, nên đầu ra của công còn rộng mở, nuôi công ở thời điểm này không chỉ cho thu nhập khá, thậm chí còn làm giàu”- Anh Phương nhận định.
Bình luận