Bí ngồi dễ trồng, chứa nhiều chất bổ dưỡng
Cập nhật lúc:20/06/2019, 13:49
Bí ngồi có nguồn gốc từ châu Mỹ nhưng nhân giống nhiều lại ở Ý, về sau phát triển rộng ở châu Âu rồi sang Tân Thế Giới. Loại Bí này được phát triển từ nguồn tự nhiên và cũng được lai tạo ra nhiều loại giống khác. Nhưng về hình thái thuộc 2 dòng: có dây leo để trồng mùa đông và dòng cây gọn thành cây bụi nên còn gọi là Bí ngồi, trồng chủ yếu vào mùa hè.
Do có nhiều chủng loại giống nên hình thái của quả cũng có nhiều loại: Có loại quả to và tròn giống bí Ngô (Bí rợ) có màu quả vàng thẩm như đất sét nung, có loại quả tròn và to như quả bưởi, hình thù giống quả lựu, cũng có màu vàng thẩm giống màu đất sét nung. Có loại trái dài hơi cong như quả dưa chuột, da có thể màu xanh, có thể màu vàng thẩm không có chấm loang lỗ như dưa leo. Về giá trị kinh tế, trong quả bí ngô có chứa chất gì thì trong bí ngồi đều có chứa chất ấy. Tuy nhiên, hàm lượng có khi có khác nhau. Nói chung, Bí ngồi là loại rau ăn quả có giá trị dinh dưỡng cao, người ta liệt vào loại rau cao cấp, dùng để xào nấu, có khi dùng để ăn sống.
Vì sản phẩm có chứa nhiều loại vitamin quý nên khi xào nấu thường chỉ làm cho bí vừa chín. Người ta cũng dùng Bí ngồi làm sa lát ăn rất ngon miệng và bổ dưỡng. Ngày nay, loài người nghiêng về sử dụng các món ăn tươi, giàu vitamin nên Bí ngồi đã bắt đầu phát triển mạnh.
Bí ngồi thuộc chi Bầu Bí nên kỹ thuật gieo trồng bà con có thể áp dụng theo kỹ thuật như trồng bầu bí, nhưng trồng chủ yếu vào mùa hè. Ở vùng Đà Lạt, Đơn Dương, bà con trồng Bí ngồi trong nhà lưới, nhà màng, kỹ thuật chăm sóc như các loại rau lấy củ khác. Tuy nhiên, do cây chứa nhiều nước và sinh trưởng nhanh nên bà con cũng rất cần áp dụng các kỹ thuật thích hợp. Nếu bà con trồng trong điều kiện tự nhiên thì chú ý làm rãnh thoát nước cho bí. Tốt nhất là làm luống để trồng cho dễ chăm sóc. Bí ngồi ưa đất có độ chua ít hay trung tính có thể hơi kiềm. Do đó, đất của bà con hơi chua (PH dưới 5,5) thì cần làm đất kỹ, phơi khô và bón thêm khoảng 100kg vôi bột cho 1000m2 để giảm độ chua và khử độc. Bà con có thể gieo trực tiếp bằng hạt hay ươm cây con rồi trồng, tuỳ điều kiện từng vùng. Nhưng trồng bằng cây con thường tiết kiệm được giống và dễ bảo đảm mật độ hơn.
Bí ngồi cũng dễ nhiễm bệnh phấn trắng hại lá, đọt non và cành nên ngay từ khi trồng, đất phải sạch, đào hố bón phân chuồng hoai mục trộn với vôi bột và lân nung chảy, lấp đất mỏng rồi trồng và nén đất cho chặt. Khi cây lớn, bà con có thể dùng phân đơn và cũng có thể dùng phân N-P-K +TE để bón. Tốt nhất là dùng N-P-K+TE vì trong đó có chứa vi lượng Kẽm, Bo và Cu. Trong 30-40 ngày đầu bón phân NPK có tỷ lệ N và P cao, trước nở hoa trở đi bón phân NPK loại có K cao và đủ vi lượng như NPK 15-5-20+TE . Bà con có thể bón Kaliche hay Vi lượng thông minh, hoặc phân chuyên dùng của Bình Điền. Nếu bà con mình làm đất, bón phân, trồng đúng kỹ thuật thì rất ít bị bệnh phấn trắng hay bệnh thối ngọn, thối gốc. Trong trường hợp bị các bệnh này thì bà con dùng thuốc Booc-do hay thuốc có gốc đồng (Ô-xit clorua Cu) để phun rất có hiệu quả mà ít độc. Để sản phẩm an toàn với người tiêu dùng, bà con ngưng phun thuốc tối thiểu 10-15 ngày trước khi thu trái.
Giai đoạn trước mắt, đầu ra của Bí ngồi đang rộng mở, nếu bà con áp dụng hợp lý kỹ thuật trồng và chăm sóc thì kết quả đạt được sẽ như mong muốn của bà con.
Bình luận