Xịt thuốc diệt mầm cho khoai mì sau khi trồng
Cập nhật lúc:20/06/2019, 12:07
Tác động của thuốc trừ cỏ đến thực vật
– Thuốc trừ cỏ dại tuỳ theo loại khác nhau có thể tác động đến cỏ dại theo nhiều cách khác nhau. Người ta phân loại theo kiểu tác dộng của thuốc trừ cỏ như:
Thuốc trừ cỏ có tác động chọn lọc và thuốc trừ cỏ có tác động không chọn lọc:
Thuốc trừ cỏ có tác động chọn lọc có nghĩa là thuốc trừ cỏ khi sử dụng đúng theo khuyến cáo sẽ chỉ diệt trừ cỏ dại mà không gây hại cho cây trồng.
Thuốc trừ cỏ có tác động không chọn lọc được sử dụng ở nơi không trồng trọt, những thuốc này gây hại cho mọi loài thực vật có mặt ở nơi phun thuốc và thuốc tiếp xúc với thuốc.
– Thuốc trừ cỏ tiếp xúc và thuốc trừ cỏ nội hấp:
Thuốc trừ cỏ tiếp xúc chỉ gây hại cho các bộ phận của cây tiếp xúc với thuốc. Thuốc chỉ có tác dụng với cỏ hàng năm, không có thân ngầm trong đất. Ví dụ các thuốc trừ cỏ Propanil, Gramoxone.
Thuốc trừ cỏ nội hấp (lưu dẫn) có thể dùng bón, tưới vào đất hoặc phun lên lá. Sau khi xâm nhập vào lá, rễ thuốc dịch chuyển đến khắp các bộ phận trong thực vật, thuốc được dùng để trừ cỏ hàng niên và lưu niên.
– Thuốc trừ cỏ phun lên lá và thuốc trừ cỏ phun hoặc bón, tưới vào đất:
Thuốc trừ cỏ phun lên lá là những thuốc trừ cỏ chỉ có thể xâm nhập vào lá cỏ để gây hại cho cỏ (thuốc này không có khả năng xâm nhập vào rễ cỏ). Những thuốc này được dùng phun vào lúc cỏ đã mọc, còn non. Ví dụ thuốc trừ cỏ Onecide, Propanil…
Ngoài ra còn có những loại thuốc trừ cỏ vừa có khả năng xâm nhập vào lá, vừa xâm nhập vào rễ cỏ. Những thuốc này có thể dùng phun lên ruộng khi cỏ sắp mọc hoặc cỏ mới mọc (mới ra 1-3 lá). Ví dụ; các thuốc trừ cỏ Afalon, Ronstar v.v…
– Thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm và hậu nảy mầm:
Thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm là loại thuốc trừ cỏ được dùng sớm, ngay sau khi gieo, khi cỏ chưa mọc trên ruộng. Ví dụ thuốc trừ cỏ Simazine, Sofit.
Thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm là loại thuốc được dùng muộn hơn, khi cỏ đã mọc, ở giai đoạn non. Ví dụ các thuốc trừ cỏ Afalon, Whip S, Oneside, …
– Thuốc trừ cỏ hoà bản và thuốc trừ cỏ lá rộng:
Thuốc trừ cỏ hoà bản chỉ có tác dụng diệt những cỏ họ hoà bản (lá hẹp, gân lá, song song như cỏ lồng vực, cỏ mần trầu, …).
Thuốc trừ cỏ lá rộng là thuốc chỉ có tác dụng diệt được cỏ lá rộng bản, gân lá hình chân vịt như cỏ dền gai, rau sam, …
Đặc điểm chung của các thuốc trừ cỏ
Tất cả những thuốc trừ cỏ đang được sử dụng ở nước ta đều là những hợp chất hữu cơ tổng hợp.
Những thuốc trừ cỏ thông dụng trong sản xuất nông nghiệp hiện nay thường ít độc hơn với người và gia súc so với thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh. Tuy nhiên không ngoại trừ có một số ít thuốc trừ cỏ có độ độc thấp như thuốc Paraquat.
Thuốc trừ cỏ dại là nhóm thuốc BVTV dễ gây hại cho cây trồng hơn cả. Chỉ một sơ xuất nhỏ như chọn thuốc không thích hợp, sử dụng không đúng lúc, không đúng liều lượng, không đúng cách, … là thuốc dễ có khả năng gây hại cho cây trồng.
Cách sử dụng thuốc trừ cỏ hiệu quả
Thuốc trừ cỏ là những hóa chất tự nhiên hoặc tổng hợp có tác dụng làm rối loạn trao đổi chất, ức chế sinh trưởng và tiêu diệt cỏ dại mà không hoặc rất ít ảnh hưởng đến cây trồng.
Tùy theo phổ tác động mà người ta chia ra thuốc trừ cỏ có tác động chọn lọc (chỉ diệt được một số loài cỏ) và thuốc trừ cỏ có tác động không chọn lọc (tiêu diệt mọi loài cỏ).
Tùy theo thời điểm dùng mà có thể chia ra thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm (có tác dụng tiêu diệt cỏ trước khi nảy mầm) và thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm (tiêu diệt cỏ sau nảy mầm đang sinh trưởng tốt). Tùy mức độ chọn lọc có thể phân ra thuốc trừ cỏ một lá mầm (chỉ tiêu diệt nhóm cỏ thuộc thực vật một lá mầm) và thuốc trừ cỏ 2 lá mầm (chỉ tiêu diệt nhóm cỏ thuộc thực vật 2 lá mầm). Tùy thuộc cơ chế tác động mà người ta chia ra thuốc trừ cỏ nội hấp và thuốc trừ cỏ tiếp xúc, thuốc trừ cỏ lá rộng và thuốc trừ cỏ lá kim, thuốc trừ cỏ hằng niên và thuốc trừ cỏ đa niên…
Xuất phát từ đặc điểm trên của thuốc trừ cỏ, đặc điểm của cỏ dại, vị trí cần diệt cỏ mà ta dùng thuốc cho hợp lý, đạt hiệu quả cao. Ví dụ trên đường giao thông, nhà xưởng… ta có thể dùng thuốc trừ cỏ có phổ tác động rộng (tiêu diệt được mọi loài cỏ ) và thuốc có hiệu lực dài (có thể sau 2-3 tháng mới cần phun lại). Tuy vậy thuốc trừ cỏ là một hóa chất bảo vệ thực vật có độ độc khác nhau đối với con người và môi trường cũng như hệ sinh thái nói chung, nên khi sử dụng phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng:
1. Dùng đúng thuốc: Nên sử dụng thuốc trừ cỏ có hiệu quả cao với loài cỏ dại cần phòng trừ nhưng ít độc hại với con người và môi trường. Không sử dụng thuốc cấm, thuốc không nằm trong danh mục được phép sử dụng. Ví dụ khi dùng thuốc trừ cỏ cho lúa nước phải dùng thuốc trừ cỏ chọn lọc được khuyến cáo sử dụng cho lúa nước (Sofit 300EC, Ferim 18,5WP…), không được dùng thuốc trừ cỏ có phổ tác động rộng và thuốc trừ cỏ một lá mầm để phun trừ cỏ trên ruộng lúa (lúa là thực vật một lá mầm), nếu không tuân thủ điều này thì cả lúa và cỏ dại đều bị tiêu diệt.
2. Dùng đúng lúc: Dùng đúng lúc với thuốc trừ cỏ là phải biết kết hợp cơ chế tác động của thuốc với giai đoạn sinh trưởng của cỏ dại. Không phun thuốc khi trời sắp mưa, có gió lớn, khi cây trồng đang thời kỳ xung yếu (dễ mẫn cảm với thuốc). Ví dụ muốn diệt cỏ cho ruộng trước khi trồng lạc, đậu tương… ta phải dùng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm như Acotab 330EC, Butan 60EC… Trong vườn cây ăn quả (cam ,xoài, vải, nhãn…) nếu muốn diệt cỏ đang sinh trưởng tốt phải dùng thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm như Basta 6SL, Vilapon 80BTN…
3. Dùng đúng nồng độ và liều lượng: Liều lượng là lượng thuốc tối thiểu trên đơn vị diện tích để đảm bảo tiêu diệt hết cỏ dại nhưng không gây hại tới cây trồng (thường tính bằng lít, kg thuốc thành phẩm hoặc nguyên chất cho 1 ha). Nồng độ là độ pha loãng của thuốc để trừ dịch hại nói chung và cỏ dại nói riêng thường được tính bằng %, gam, ml. Riêng nguyên tắc này với thuốc trừ cỏ cần căn cứ vào loài cỏ dại, mật độ cỏ và nơi cần trừ cỏ. Ví dụ nơi cần diệt cỏ mà không gieo trồng (đường giao thông, nhà xưởng…) có thể pha thuốc tăng nồng độ và liều lượng so với qui định (tối đa không vượt quá 25% so với khuyến cáo). Nhưng khi phun thuốc có cả cây trồng và cỏ dại thì chúng ta bắt buộc phải tuân thủ nguyên tắc này, nếu không cả cây trồng và cỏ dại đều bị tiêu diệt.
4. Dùng đúng cách: Cần phun rải đều để thuốc tiếp xúc tốt với cỏ dại sẽ làm tăng hiệu quả của thuốc. Phun thuốc đúng cách còn được hiểu là dùng phương pháp phun, cách phun làm tăng hiệu quả tiêu diệt cỏ dại của thuốc trừ cỏ và hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thuốc đối với cây trồng. Ví dụ muốn trừ cỏ trong vườn cây ăn quả ta có thể dùng thuốc trừ cỏ có phổ tác động rộng như Round 480EC, Gramoxone 20SL… Khi muốn tiêu diệt cỏ cho vườn cà chua, dưa hấu… phải hạ thấp vòi phun không để thuốc tiếp xúc với phần xanh của cây trồng. Có làm như vậy chúng ta mới đảm bảo được yêu cầu vừa tiêu diệt được cỏ dại vừa bảo vệ được cây trồng.
Ngoài 4 nguyên tắc trên cần chú ý:
Chỉ được dùng nước sạch để pha chế thuốc trừ cỏ.
Trên ruộng lúa không được tự hỗn hợp các loại thuốc trừ cỏ. Không hỗn hợp thuốc trừ cỏ với các loại thuốc trừ sâu và bệnh khác nếu không được hướng dẫn và không được phun lặp lại.
Trên vườn cây ăn quả, cây trồng cạn để tiêu diệt cỏ dại nhanh và tăng hiệu quả của thuốc ta có thể pha thêm phân đạm vào thuốc trừ cỏ nhằm làm tăng hiệu quả hấp phụ thuốc của cỏ dại.
Bình luận