Cách xử lý mùi hôi khi nuôi gia súc gia cầm Hiệu Quả Cao
Cập nhật lúc:20/06/2019, 11:56
Xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi bằng một số công nghệ mới
Giới thiệu một số công nhệ mới thay thế công nghệ Biogas để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gia súc gia cầm gây ra: Công nghệ đệm lót sinh học, công nghệ ấu trùng ruồi đen và công nghệ giun đất.
Những năm gần đây, ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề bức xúc của nhiều địa phương, nhất là vùng nông thôn.
Trong khi các trang trại chăn nuôi chí có 20% được xây dựng tại các khu tập trung, còn 80% được xây dựng xung quanh khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Tăng nguy cơ dịch bệnh cho gia súc và con người, vì vậy việc phòng chống ô nhiễm môi trường luôn đi đôi với việc phát triển của ngành chăn nuôi.
Những cách sử lý mùi hôi và ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Nuôi lợn có sử dụng hầm biogas, nền chuồng phải là nền cứng bằng gạch hay bê tông. Lợn đứng trên nền cứng và ẩm ướt có tác động rất xấu đối với xương chi và móng, nhất là đối với lợn nái sinh sản. Hội chứng “yếu chân” (osteochondrosis) là thuật ngữ thường gắn với hệ thống chăn nuôi trên nền cứng và phổ biến ngay cả trong hệ thống chăn nuôi hiện đại.
Sức nặng của cơ thể đè lên xương chi, làm giảm lượng cung cấp oxy cho mô sụn, gây tổn hại cho sinh trưởng của sụn, sụn bị thay bằng các mô xơ, xương bị cong vênh. Lợn con 2 tháng tuổi, sụn đã bị tổn thương, bị nứt rạn, tăng trưởng bị giảm.
Lợn nái chân yếu, các khớp bị viêm, đầu gối thường cong vào phía trong, chân trước có thể bị vẹo, lợn ít đứng và ngồi như tư thế của chó, lợn nái nuôi con di chuyển khó khăn dễ đè chết con, sức sinh sản bị giảm. Trong các trại lợn giống, kể cả những trại giống tiên tiến vẫn có tới 20 – 30% lợn đực và nái bị loại bỏ do chân yếu hay biến dạng.
Để khắc phục những nhược điểm trên, một số công nghệ mới đã ra đời và nhanh chóng đi vào SX. Đó là công nghệ đệm lót sinh học (ĐLSH), công nghệ ấu trùng ruồi đen và công nghệ giun đất (Olivier Paul và cs., 2013).
Về công nghệ Đệm lót sinh học
Đệm lót sinh học là một lớp đệm dày 60cm bao gồm tro than hút ẩm, trấu và rơm cắt nhỏ…được trộn với chế phẩm vi sinh có tác dụng tiêu hủy phân và nước tiểu, hình thành một lớp sinh khối sạch, hạn chế vi khuẩn bệnh và ký sinh trùng, loại bỏ ruồi muỗi, không mùi hôi. Để nuôi lợn trên nền Đệm lót sinh học mỗi lợn thịt cần 1,5m2 và một lợn nái cần 9 m2 sàn chuồng.
Chăn nuôi lợn, trâu bò hay gia cầm trên nền Đệm lót sinh học đều rất hiệu quả. Đối với chăn nuôi lợn, lượng nước có thể tiết kiệm tới 80%, chi phí lao động cũng giảm tới 60%. Do chuồng khô ráo, không mùi hôi, không ruồi muỗi, lợn ít bệnh, hạn chế việc sử dụng kháng sinh, giảm chi phí thuốc thú y.
Nuôi lợn hay gà trên nền Đệm lót sinh học đã được triển khai ở hàng nghìn cơ sở chăn nuôi thuộc nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Phú Thọ, Bắc giang, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Tây Ninh.
Nền chuồng cứng được thay bằng nền Đệm lót sinh học là một lớp đệm mềm và khô ráo giúp hạn chế rất hiệu quả hội chứng “yếu chân”. Ngoài ra, lợn còn được đi lại, ủi bới trong một không gian không quá chật chội, lợn nái nuôi con không bị “cầm tù” trong một cái lồng hẹp kích cỡ chỉ có 60 x 240cm, lợn sẽ tiết nhiều sữa hơn, lợn con ít bệnh hơn, mau lớn, tuổi sản xuất của lợn mẹ kéo dài thêm (số lứa đẻ tính trên một đời SX từ 5 -6 lứa có thể tăng lên 10 – 12 lứa).
Quyền động vật (animal welfare) được cải thiện, tạo điều kiện hòa nhập vào nền “chăn nuôi văn minh” của thế giới.
Quy trình làm đệm lót sinh học cho chuồng gà
Hiện nay, bà con nông dân ở một số nơi sử dụng chế phẩm sinh học Balasa N01 (của tác giả Nguyễn Khắc Tuấn, giảng viên Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội) để xử lý mùi hôi của chất độn chuồng trong chăn nuôi gà và mang lại hiệu quả cao.
* Về lợi ích khi sử dụng chế phẩm Balasa N01 để xử lý chất lót nền chuồng:
– Làm tiêu hết phân: mùi hôi thối, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, tạo môi trường sống tốt, không ô nhiễm.
– Cải thiện môi trường sống cho người lao động.
– Tạo cơ hội phát triển chăn nuôi ngay ở nơi dân cư đông đúc.
– Sẽ không phải thay chất độn lót trong suốt quá trình nuôi, giảm tối đa nhân công dọn chuồng và nguyên liệu làm chất độn lót chuồng.
– Giảm rõ rệt tỷ lệ mắc bệnh đặc biệt là bệnh tiêu chảy và bệnh hen ở gà. Giảm tỷ lệ chết và loại thải (gà đẻ 5%, gà thịt 2%). Vì vậy, giảm công và chi phí thuốc trong việc chữa trị con vật bị bệnh.
– Tăng chất lượng đàn gà và chất lượng của sản phẩm.
– Khi úm trên đệm lót sẽ giúp cho gà con khỏe mạnh, đồng đều, ít bị bệnh và tăng trưởng tốt sau này. Gà nuôi trên nền đệm lót không bị thối bàn chân, không bị què chân, lông tơi, mượt và sạch. Thịt chắc, thơm ngon, giảm tồn dư kháng sinh.
– Giảm được công việc nặng nhọc trong việc thường xuyên thay đệm lót.
– Chi phí chung sẽ ít hơn nên thu nhập tăng lên.
* Về kỹ thuật khi áp dụng chế phẩm vi sinh này vào chuồng nuôi, bà con cần thực hiện đúng quy trình như sau:
Đối với nền chuồng: Nền có thể láng xi-măng hoặc lát gạch. Nếu nền chuồng là nền đất, chỉ cần nện đất thật chặt, không cần láng xi-măng, lát gạch sẽ tốt hơn và giảm được chi phí xây dựng.
I. Phương pháp làm đệm lót dùng úm gà, nuôi gà thịt trên nền:
– Làm đệm lót cho 25m2 nền chuồng theo các bước sau:
Bước 1: Rải trấu lên toàn bộ nền chuồng dày 10cm, sau đó thả gà vào.
Bước 2: Sau một thời gian (sau 7-10 ngày đối với gà nuôi úm, sau 2-3 ngày đối với gà nuôi thịt) quan sát trên bề mặt chuồng khi nào thấy phân rải kín (nền chuồng dơ), ta dùng tay hoặc cào cán ngắn để cào sơ qua lớp mặt đệm lót (lưu ý: Khi cào nên dồn gọn gà về từng phía một để tránh gây xáo trộn đàn gà).
Bước 3: Sau khi cào lớp mặt xong thì rắc đều chế phẩm men đã được pha chế lên toàn bộ bề mặt đệm lót, sau đó dùng tay xoa trên mặt để men được phân tán đều khắp.
– Cách làm chế phẩm men:
Lấy 1kg chế phẩm sinh học trộn đều với 5-7kg bột bắp hoặc cám gạo, cho thêm khoảng 2,5-3,2 lít nước sạch, trộn cho ẩm đều, sau đó cho vào túi hoặc thùng và để chỗ ấm và mát, ủ trong 2-3 ngày là sử dụng được. Như vậy, cần phải ủ chế phẩm men vi sinh trước khi rắc men 2-3 ngày.
II. Phương pháp làm đệm lót lên men để nuôi gà đẻ trên lồng tầng:
1. Đối với chuồng nuôi đã có sẵn:
Do khoảng cách giữa đáy lồng với nền chuồng chỉ khoảng trên dưới 50cm nên khó thao tác, vì vậy phải tiến hành lên men nguyên liệu làm đệm lót ở bên ngoài sau đó mới đưa vào chuồng. Cụ thể như sau:
Chuẩn bị: Để làm cho 25m2 diện tích đệm lót chuồng.
– Đem 1kg Balasa N01 trộn 5kg bột bắp và cám gạo cho vào thùng, thêm 180 lít nước sạch, đậy kín để vào chỗ ấm trong 2 ngày sẽ được dịch lên men (hỗn hợp 1).
– Tiếp tục lấy hơn 2,5 lít dịch lên men đã làm ở trên cho thêm vào 5kg bột bắp và cám gạo trộn cho ẩm đều (hỗn hợp 2).
* Cách lên men chất độn ở bên ngoài:
Bước 1: Rải đều lớp mùn cưa dầy 10cm lên nền nhà.
Bước 2: Rắc đều hỗn hợp 2 lên trên mặt độn lót.
Bước 3: Tưới hỗn hợp 1 và rắc đều bã còn lại lên trên mặt độn lót sau đó xoa nhẹ lớp trên mặt.
Chú ý: Nếu chất đệm là loại khó thấm nước thì cần tưới nước men (hỗn hợp 1) làm nhiều lần giúp dịch men thấm đều.
Bước 4: Dùng bạt phủ kín. Sau vài ngày, nếu sờ thấy đệm lót ấm nóng là có thể sử dụng được.
* Hoàn thiện đệm lót lên men trong chuồng nuôi:
Bước 1: Rải trấu hoặc mùn cưa lên nền chuồng đạt độ dầy 20cm.
Bước 2: Rải đều 10cm mùn cưa đã được lên men ở bên ngoài lên trên mặt là được.
2. Đối với chuồng làm mới:
Nếu nơi nào đất cao có thể đào nền chuồng nơi thải phân xuống sâu 30cm, để nguyên đất nện không phải láng xi-măng.
Sẽ làm đệm lót ngay trong chuồng. Cách làm như sau:
Bước 1: Rải trấu lên nền chuồng đạt độ dầy 20cm. Sau đó rải tiếp 10cm mùn cưa.
Bước 2: Rắc đều 5kg bột bắp và cám gạo đã xử lý men lên trên mặt độn lót.
Bước 3: Tưới đều dịch lên men và rắc đều bã còn lại lên trên mặt độn lót sau đó xoa nhẹ lớp trên mặt.
Bước 4: Dùng bạt phủ kín. Sau vài ngày, sờ thấy đệm lót ấm nóng là có thể sử dụng được.
Để góp phần nâng cao hiệu quả của chế phẩm Balasa N01, người chăn nuôi cần áp dụng chế phẩm vi sinh Balasa N01 đúng quy trình như đã hướng dẫn, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm bệnh tật, từng bước thay đổi quy trình nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Về công nghệ ấu trùng ruồi đen xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Ruồi đen có tên tiếng Anh là Black Soldier Fly thuộc họ Stratiomyidae, tộc Hermetia, loài H. illucens. Ấu trùng của loài ruồi này là loại côn trùng phàm ăn trong thế giới tự nhiên. Chúng có thể làm giảm khối lượng và thể tích của chất thải chỉ trong vòng 24 giờ.
Chỉ trong 1 m2 ấu trùng ruồi, chúng có thể ăn tới 40 kg phân lợn tươi mỗi ngày. Và cứ 100 kg phân có thể cho 18 kg ấu trùng. Ấu trùng rất giầu các chất dinh dưỡng như protein (42%), chất béo (34%) và là nguồn thức ăn tốt cho lợn, gia cầm và cá.
Chất béo của ấu trùng ruồi đen có tới 54% là axit lauric, một axit có tác dụng tiêu diệt virus có vỏ bọc bằng lipid (như virus HIV và sởi) cũng như Clostridium và các protozoa gây bệnh. Protein của ấu trùng ruồi rất giầu lysine và là nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng tương đương như huyết thanh phun khô dùng cho lợn cai sữa sớm.
Về công nghệ giun đất
Giun đất được sử dụng trong công nghệ xử lý môi trường chăn nuôi là giun đỏ (Lumbricus rubellus), giun quế (Perionyx excavatus), giun hổ (Eisenia fetida), giun hổ đỏ (E. andrei). Hai loại giun được sử dụng phổ biến ở nước ta là giun đỏ và giun quế.
Chất thải của ấu trùng ruồi đen được dùng để nuôi giun đỏ hay giun quế. Giun đỏ nuôi trên chất thải của ấu trùng ruồi đen lớn nhanh hơn 2-3 lần so với nuôi trên chất thải là phân ủ. Ấu trùng ruồi đen ăn chất thải thối rữa mà đôi khi giun đỏ không ăn, trong khi giun đỏ lại có thể ăn những nguyên liệu giầu chất xơ mà ấu trùng ruồi đen không ăn. Hai loại côn trùng này phối hợp với nhau có tác dụng phân hủy rất tốt phân và các chất thải hữu cơ khác nhau.
Trong ruột giun chứa hàng triệu vi khuẩn hiếu khí có vai trò phân giải các sinh khối hữu cơ, hóa chất và cũng là tác nhân kích thích sinh học. Một quần thể giun 15 ngàn con nuôi tạo hàng tỷ vi khuẩn trong một thời gian ngắn. Chính quần thể vi khuẩn này giữ vai trò phân giải các chất hữu cơ của chất thải và chính các enzyme trong ruột giun như protease, lipase, amylase, cellulose, chitinase cũng là những tác nhân phân giải các vật liệu giầu protein và xơ trong chất thải hữu cơ.
Trong quá trình phân hủy chất thải, giun thải dịch chất từ ruột và dịch chất này có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn bệnh trong khối phân ủ (Sinha Rajiv K. và cs., 2010). Phân ủ từ giun cũng là nguồn phân bón tốt cho cây trồng, giá phân giun ở nước ta lên tới 500 USD/tấn.
Chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường thì bị xử lý như thế nào?
Hiện tại trong khu dân cư nơi tôi sinh sống đang xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Một hộ gia đình ở đầu đường dẫn vào khu dân cư có chăn nuôi heo với quy mô khoảng dưới 50 con, chất thải từ chăn nuôi tuy có qua hầm xử lý sinh học biogas nhưng với số lượng lớn nên hàng ngày vẫn có chất thải tuồn ra ngoài mảnh đất phía sau nhà,nhưng lại án ngữ trên đường dẫn vào khu dân sinh nên gây ra tình trạng hôi thối nồng nặc, khiến cuộc sống của chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Vấn đề này đã được phản ánh nhiều lần với chủ hộ chăn nuôi nhưng cho tới nay mọi việc vẫn không được giải quyết. Vậy xin hỏi Qúy đài hành vi nêu trên bị xử lý như thế nào?
Hiện tại tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường xảy ra khá phổ biến trên khắp mọi miền đất nước, nguyên nhân chính là khâu xử lý chất thải không được thực hiện hoặc thực hiện nhưng không đúng yêu cầu. Đặc biệt ở các vùng nông thôn khi mà ý thức bảo vệ môi trường còn chưa được nâng cao, chất thải chăn nuôi được thải trực tiếp ra ruộng lúa, kênh, rạch, ao, hồ, sông, suối…. Làm ô nhiễm nghiêm trọng tới môi trường đất, nước, không khí. Nếu khu vực chăn nuôi nằm trong lòng hoặc gần khu dân cư sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người, nhất là các vấn đề về hô hấp, tiêu hóa.
Do vậy phản ánh của anh Khiêm là vấn đề rất đáng quan tâm, hộ chăn nuôi không đảm bảo được yêu cầu khi xử lý chất thải, mặc dù có hầm sinh học biogas. Chất thải tràn ra ngoài mảnh đất trên đường dẫn vào khu dân cư. Tình trạng trên cần phải được giải quyết kịp thời và hiệu quả. Ngày 17 tháng 4 năm 2014, Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An có ban hành quyết định số 21/2014/QĐ-UBND về việc ban hành quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Long An, đối với chăn nuôi nông hộ quyết định nêu rõ:
- Không chăn nuôi gia súc gia cầm trong khu vực dân cư tập trung;
- Chuồng nuôi gia súc, gia cầm phải tách biệt với nhà ở; cách xa bệnh viện, trường học, chợ, công sở, trục giao thông chính; không được làm chuồng trên sông, kênh, mương, rạch công cộng;
- Không thả rông để gia súc, gia cầm nuôi gây mất vệ sinh môi trường;
- Việc chăn nuôi gia súc gia cầm phải đảm bảo vệ sinh, không để ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.
Căn cứ vào các qui định vừa viện dẫn có thể nhận thấy hành vi chăn nuôi của hộ gia đình nêu trên vi phạm quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An, cụ thể: khu vực nơi anh Khiêm sinh sống là khu dân cư, trong khi đó họ lại thực hiện việc chăn nuôi, không đảm bảo được vệ sinh công cộng, chất thải tràn ra bên ngoài gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Về mức xử phạt vi phạm hành chính: khoản 1 Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
“Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 000 đồng đến 300 000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- ………..
- Nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư.”
Ngoài bị xử phạt tiền do vi phạm quy định thì hành vi trên còn bị áp dụng qui định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này:
“Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với các hành vi qui định tại điểm b, c, d, đ, e khoản 1 và điểm b, d khoản 2 Điều này.”
Bình luận