Kinh nghiệm làm mát gia súc, gia cầm trong những ngày nắng nóng
Cập nhật lúc:20/06/2019, 11:53
1. Chủ động nắm bắt thông tin hàng ngày về “Dự báo thời tiết” trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Kinh nghiệm cho thấy người chăn nuôi cần chủ động nghe thông tin thời tiết từ tối hôm trước và sáng sớm hôm sau để có kế hoạch cụ thể về che chắn chuồng trại, chủ động nguồn thức ăn nước uống, kiểm tra hệ thống điện trong chuồng nuôi. Quan trọng hơn là để kịp thời đối phó với những cơn giông, lốc và những trận mưa lớn đột xuất trong ngày (thực tế những ngày nắng nóng thường kèm những cơn giông, lốc, mưa lớn vào buổi chiều rất đột ngột). Thực hiện tốt điều này nhằm tránh cho gia súc gia cầm bị nhiễm lạnh khi gặp mưa khiến con vật mắc bệnh.
2. Giảm mật độ nhốt gia súc, gia cầm trong chuồng nuôi cũng như trên phương tiện vận chuyển.
Điều này rất quan trọng và được đặt lên hàng đầu để tạo sự thông thoáng làm mát cho con vật, hạn chế sức nóng từ chuồng nuôi cũng như từ bản thân con vật. Với trâu bò đơn giản chỉ cần đưa trâu bò ra nhốt ở những nơi có cây bóng mát, khi vận chuyển nên giảm số trâu bò 1 -2 con/1 phương tiện vận chuyển so với trước đây là được. Với lợn, gia cầm, cần cải tạo bổ sung các ô chuồng mới để giảm mật độ nuôi. Các trang trại lợn, gia cầm chuyên thịt nên xuất bán và nhập số lượng nhỏ hơn so với bình thường.
Việc vận chuyển nên hạn chế tối đa trong những ngày nắng nóng trường hợp cần phải vận chuyển chú ý có mái che tốt, rải chất độn nền xe (bằng cát, lá cây tươi) đồng thời để một số cành cây tươi trên phương tiện vận chuyển làm mát. Khi vận chuyển cần thực hiện vào ban đêm, buổi trưa cho con vật nghỉ ngơi ở khu có nhiều bóng cây.
3. Có hệ thống giàn phun mưa, quạt thông gió làm mát trong, ngoài chuồng nuôi.
Nên có hệ thống giàn phun mưa cả trên mái chuồng và trực tiếp trong chuồng cho vật nuôi. Hệ thống gian phun tốt nhất lắp hệ thống tự động để đảm bảo chất lượng giàn phun cũng như lượng nước phun trong chuồng, đảm bảo cân bằng về nhiệt cho con vật. Những nơi chưa có điều kiện lắp giàn phun có thể dùng các liếp che (tốt nhất bằng các chất liệu tranh, tre, nứa, lá, không nên dùng chất liệu bằng tôn, phibro xi măng). Kinh nghiệm ở nhiều nơi dùng các cây dây leo như bìm bìm, mướp, nhót, sắn dây … cho leo trên mái làm mát tự nhiên là rất tốt.
Hệ thống quạt thông gió, những chuồng nuôi kín (ở lợn, gia cầm) cần chú ý kiểm tra điện hàng ngày không để mất điện hoặc trục trặc kỹ thuật từng khu vực trong chuồng nuôi.
Làm hệ thống bạt che nắng di động, nhiều trại chăn nuôi nhất là chăn nuôi gia cầm khi chưa có hệ thống chuồng kín dùng hệ thống bạt di động để che chắn trực tiếp, nắng đến đâu che đến đó. Đây là biện pháp hữu ích thực tế được nhiều người áp dụng cùng với các hệ thống đã có trong chuồng nuôi rất có hiệu quả.
Ở một số nơi người chăn nuôi dùng thân cây ngô, thân cây chuối, các cây họ đậu, để che chắn trên mái, che chắn xung quanh chuồng hoặc xếp nhiều ở khu vực có bóng mát để nhốt gia súc cũng là điều rất tốt. Tuy nhiên cần chú ý để kịp thời xử lý khi có giông, bão, lốc mưa lớn không để các vật liệu trên bị đổ hoặc tạo sức nặng cho mái chuồng nuôi làm ảnh hưởng trực tiếp đến con vật.
4. Chế độ dinh dưỡng làm mát cho vật nuôi: Việc đầu tiên là đảm bảo đầy đủ lượng nước uống và dùng chất điện giải cho con vật uống hàng ngày. Nhu cầu nước uống trong ngày nắng nóng là rất lớn. Dùng chất điện giải (như Han-Lytevit C…) sẽ vừa bổ sung các loại vitamin, khoáng chất sẽ làm tăng sức để kháng cho con vật.
Những ngày nắng nóng nên bổ sung các máng uống và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ để cho con vật chủ động uống đủ lượng nước sạch. Với trâu bò, khi thấy con vật quá mệt mỏi do cảm nắng, có thể dùng bột sắn, nước lá rau má, rau dấp cá để hòa nước cho vật nuôi uống.
Về chế độ ăn, những ngày nắng nóng nên giảm khẩu phần ăn về buổi trưa tăng bù vào chiều mát, sáng sớm và đêm. Riêng trâu bò cần tăng lượng thức ăn thô xanh, giảm thức ăn tinh trong ngày. Thức ăn bổ sung các loại khoáng chất, vitamin (như ADE Bcomplex, Han-Goodway, Hanmix-VK9,….) để nâng cao sức đề kháng cho con vật dần thích nghi với sức nóng ngoài môi trường.
5. Vệ sinh cơ giới chuồng trại làm mát cho vật nuôi:
Thời tiết càng nắng nóng, càng phải đảm bảo nghiêm ngặt vệ sinh cơ giới hàng ngày bằng cách dùng nước rửa chuồng trại và thay chất độn chuồng. Với chuồng nuôi trâu bò, lợn (kể cả chuồng kín và chuồng hở) dùng nước rửa xịt sạch chuồng nuôi và không để đọng nước. Diện tích phun nước những ngày nắng nóng cần rộng cả trong và ngoài chuồng nuôi đồng thời tăng số lần dùng nước phun rửa trong ngày (2 – 3 lần/ngày). Lưu ý sau vệ sinh cơ giới vẫn phải đảm bảo phun thuốc sát trùng định kỳ và thuốc diệt côn trùng để ngăn chặn mầm bệnh. Chuồng nuôi sạch sẽ làm một biện pháp làm mát cho con vật rất hiệu quả.
6. Chế độ tắm chải, chăn thả làm mát trực tiếp cho vật nuôi:
Thời điểm tắm cho con vật tốt nhất là chiều mát không nên đang giữa trưa (thực tế đã có nhiều trường hợp tắm cho trâu bò, lợn nái giữa trưa đã làm cho con vật bị cảm). Việc tắm chải nhằm giảm nhiệt cho cơ thể và vệ sinh thân thể phòng chống các bệnh ngoài da. Với bê, nghé, lợn con khi tắm rửa xong cần có biện pháp giữ ấm khô ráo không để ẩm ướt nền chuồng.
Việc chăn thả cho trâu bò, thực hiện vào thời điểm sáng sớm (6 – 9 giờ) và chiều mát (16 – 18 giờ), những ngày thời tiết quá nắng nóng có thể sớm hơn, muộn hơn 1 giờ để đảm bảo sức khỏe cho con vật.
7. Khi phát hiện thấy con vật có biểu hiện không bình thường (do cảm nắng, cảm nóng, do vận chuyển có mật độ nhốt cao) cần áp dụng ngay các biện pháp làm mát để hạn chế rủi ro. Cần tách riêng con vật ra nơi có bóng mát, tạo sự thông thoáng nơi nhốt, dùng ngay hệ thống quạt làm mát (nhưng không nên cho thổi trực tiếp vào con vật tránh cho con vật bị sốc, choáng). Với trâu bò, lợn nái có thể dùng đá lạnh chườm mát vùng đầu, vùng mặt, đồng thời cho con vật uống nước điện giải khi ổn định mới cho con vật nhập đàn./.
Phòng bệnh cho đàn vật nuôi mùa nắng nóng: Nhiều hộ dân còn xem nhẹ
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có gia súc, gia cầm chết rải rác do thời tiết nắng nóng kéo dài. Bởi vậy, người chăn nuôi cần khẩn trương áp dụng những biện pháp bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi để tránh thiệt hại.Đối phó với nắng nóng
Là người có kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm, bà Ngô Thị Xuân, thôn Liên Sơn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) chia sẻ: “Gia đình tôi thường xuyên nuôi một nghìn con gà siêu trứng. Những ngày nắng nóng, tôi phủ một lớp chăn bông cũ lên mái chuồng rồi phun nước 3 lần/ngày làm ướt chăn nhằm tránh hấp thu nhiệt xuống mái.
Đồng thời, tôi lắp quạt điện và một số quạt thông gió để chuồng luôn thoáng mát”. Đặc biệt, ngày nóng cao điểm, bà Xuân còn cho gà uống chất điện giải 3-4 lần/ngày, sử dụng men vi sinh để xử lý chuồng nuôi, dọn sạch phân gà để không làm tăng nhiệt độ trong chuồng, loại bỏ nguy cơ dịch bệnh.
Ông Trần Văn Tú, thôn Vàng, xã Bích Sơn (Việt Yên) nuôi khoảng 200 lợn nái và lợn con. Trong khi nhiệt độ ngoài trời hơn 40oC nhưng bước vào khu chuồng nuôi lợn nhà ông Tú, hơi mát tỏa các dãy chuồng bởi ngay trên mái ông cho lắp đặt giàn phun nước tự động, nhỏ giọt cả ngày. Theo ông Tú, lợn nái thường có thân nhiệt cao hơn so với lợn sữa và lợn thịt.
Vì vậy, để lợn sinh trưởng, phát triển tốt, không bị bệnh, những ngày nhiệt độ cao, ông bật giàn phun nước làm mát mái chuồng cả ngày, trong mỗi ô nuôi lợn nái đều lắp máng ăn, máng uống nước tự động để kịp thời cung cấp nước. Khi nhiệt độ ngoài trời hơn 40oC, ông còn phủ lá cây xanh trên đỉnh mỗi ô lồng nuôi lợn nái để giảm hơi nóng trực tiếp.
Vào mùa hè, nắng nóng là yếu tố gây hại hàng đầu cho chăn nuôi. Nếu không chống nóng tốt, năng suất, chất lượng vật nuôi sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí chết hàng loạt do cảm nóng, cảm nắng, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân. Bởi vậy, không chỉ hộ bà Xuân và ông Tú, nhiều chủ trang trại nuôi lợn, gà quy mô lớn và các hộ dân có kinh nghiệm đều chủ động các biện pháp chống nóng để bảo vệ đàn vật nuôi.
Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn lơ là
Khảo sát thực tế hiện vẫn còn khá nhiều hộ chăn nuôi xem nhẹ việc chống nóng cho gia súc, gia cầm. Nhìn những gian chuồng lợn trống, ánh nắng xuyên qua cửa chuồng nóng rực, anh Phạm Văn Tuyên ở thôn Ao Dẻ, xã Hương Lạc (Lạng Giang) xót xa vì một số con lợn đã bị chết. Anh Tuyên kể, vừa qua gia đình mua 40 con lợn về “gột”. Do chuồng nuôi lợn hướng Tây, lại không được chống nóng hay có giàn phun nước làm mát nên sau khi mua về hơn chục ngày, lợn bỏ ăn, co giật rồi chết hơn 10 con, mất gần chục triệu đồng.
Các hộ chăn nuôi lợn và gà cần giãn mật độ nuôi, sử dụng thức ăn xanh thay cho tinh bột để hạn chế sinh nhiệt; cho uống đủ nước, vitamin C, chất điện giải; tiêm vắc-xin phòng bệnh và phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường định kỳ nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi”. Ông Hoàng Đăng Huyến, Chi cục trưởng Chi cục Thú y |
Gia đình bà Nguyễn Thị Tẻo ở thôn Thân, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) cũng có 3 con lợn mắc bệnh viêm phổi cấp và chết đột ngột. Thực tế hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có chuồng trại chật hẹp, mái thấp, lợp tôn hoặc pro-xi-măng, khả năng hấp nhiệt cao nhưng vẫn lơ là, chủ quan, chưa tích cực chống nóng. Một số hộ vẫn thả trâu, bò ngoài đồng khi thời tiết nắng nóng tới 40oC.
Không chỉ đàn lợn bị chết, đàn gà và trâu bò không được chăm sóc đúng kỹ thuật cũng bị mắc bệnh và chết khá nhiều. Theo cán bộ Phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), với thời tiết hiện nay, vật nuôi dễ mắc một số bệnh phổ biến như: Tụ huyết trùng, phó thương hàn, tiêu chảy, Ecoli, viêm phổi, sưng phù đầu, cảm nóng, ký sinh trùng đường máu… Hai tháng qua, toàn tỉnh có gần 5 nghìn con gia súc, gia cầm mắc những bệnh trên.
Thông tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, mùa hè năm nay, thời tiết nắng nóng sẽ kéo dài hơn mọi năm, nền nhiệt độ tăng cao hơn gây bất lợi cho đàn vật nuôi. Vì vậy, người chăn nuôi cần giữ cho chuồng trại thông thoáng, sạch sẽ, phủ rơm rạ, lá cọ lên mái chuồng hoặc trồng dây leo che phủ để làm mát. Những trang trại chăn nuôi quy mô lớn cần lắp đặt hệ thống phun sương trực tiếp trong chuồng nuôi gia súc trong những ngày nắng nóng, bố trí hệ thống quạt thông gió để làm mát cho vật nuôi.
Theo Chi cục Thú y, người chăn nuôi không nên rửa chuồng nhiều lần khi trời nắng nóng để tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, vật nuôi dễ mắc bệnh đường hô hấp, tiêu hóa. Những ngày nhiệt độ cao, người dân tuyệt đối không thả và để trâu, bò làm việc ngoài trời vào ban trưa, nên để nghỉ ngơi tại nơi có bóng mát, cây xanh. Đối với ao nuôi trồng thủy sản cần thả bèo làm mát, không đánh bắt hay cho ăn vào buổi trưa để hạn chế cá bị chết hoặc nhiễm bệnh do nắng nóng.
Bình luận