Kỹ thuật trồng và chăm sóc Mướp Đắng

Cập nhật lúc:20/06/2019, 13:51

Đặc điểm và tác dụng của mướp đắng

Mướp đắng là một loại quả nhiệt đới dùng làm thức ăn, nhưng cũng được dùng làm thuốc ở hầu hết các nước thuộc Đông Nam Á và cả ở châu Phi. Mướp đắng có tác dụng giảm đường huyết đồng thời có tính kháng khuẩn mạnh.
Mướp đắng có khả năng tiềm tàng chống ung thư và chống siêu vi như HIV và HSV. Nhiều nghiên cứu cho thấy mướp đắng có thể dùng làm thuốc chữa bệnh tiểu đường. Hoạt chất trong mướp đắng thay đổi tùy theo thổ nhưỡng, khí hậu, giai đoạn thu hái, nên tiêu chuẩn hóa là điều cần thiết. Nhiều cuộc khảo cứu đã chứng minh uống trà khô mướp đắng và dùng dịch chiết mướp đắng có sự khác biệt nhau trên phương diện lâm sàng.
Dù chưa có nghiên cứu nào chứng minh quả mướp đắng nguy hiểm cho bào thai tại Việt Nam, nhưng những nghiên cứu trên cho thấy hạt mướp đắng có thể làm hư thai và quả mướp đắng có khả năng gây đột biến gen. Do đó không nên dùng mướp đắng cho phụ nữ có thai.
Mướp đắng còn được gọi với 1 tên khác là khổ qua.
Mặc dù mướp đắng có nguồn gốc ở châu Á, nhưng hiện nay đã có mặt khắp nơi vùng ấm như vùng biển West Indies phía dưới Florida, châu Phi, Ấn Độ. Sách y học cổ truyền Trung Quốc không có mướp đắng, nhưng mấy năm gần đây trà mướp đắng khô đã được bày bán ở các chợ Việt Nam, đây là loại trà giành cho những người bị tiểu đường. Mặt khác, năm 1990, Liên Hiệp Quốc phát hành bộ tem dược thảo, mỗi con tem là một cây thuốc được Liên Hiệp Quốc cho là có giá trị chữa bệnh trên thế giới, mướp đắng được chọn làm một trong 6 cây tiêu biểu. Như vậy có thể nói mướp đắng là một vị thuốc quý và là một loại cây có giá trị lớn. Người Việt Nam thường xắt lát quả mướp đắng chưa già, ngâm vào nước muối để giảm chất đắng, đem nấu canh hay làm món xào. Người Trung Quốc lại thường nhồi thịt xay vào ruột quả mướp rồi đem hầm.
Nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, thành phần dinh dưỡng tính trong 100g quả mướp đắng như sau:
– Phần ăn được 84%
– Nước 93,8%
– Protein 0,9%
– Chất béo 0,1%
– Carbohydrate 0,2%
– Vitamin A: 0,04; vitamin B1: 0,05mg; vitamin B2: 0,03mg.
– Niacin: 0,4mg, vitamin C: 50mg; canxi: 22mg, kali: 260mg, magiê: 16mg, sắt: 0,9mg.

Kỹ thuật trồng Mướp Đắng

– Thời vụ:
Mướp đắng gieo từ đầu tháng 3 đến tháng 9, thu hoạch từ tháng 5 – 12. Tuy nhiên, nếu gieo muộn, năng suất giảm và lượng sâu bệnh hại có thể tăng lên.
– Giống:
+ Giống quả xanh: Là giống của thành phố Hồ Chí Minh.
+ Giống quả trắng: Là những giống nhập nội, cho năng suất cao hơn nhưng kém chịu rét.
– Làm đất:
+ Nên chọn loại đất thịt nhẹ, đất cát pha, tơi xốp, mặt ruộng bằng phẳng, dễ tưới và thoát nước, có độ pH từ 5.5 – 6.5. Đất trồng nên xa khu công nghiệp, nghĩa trang, bệnh viện, nguồn nước thải, cách đường quốc lộ khoảng 100m.
+ Đất cày bừa kỹ, làm sạch cỏ trước khi gieo.
+ Lên luống 1,3 – 1,4m, mặt luống rộng 1,0 – 1,1m, cao 30cm.
– Mật độ, khoảng cách:
+ Khoảng cách: 75 – 80cm X 25cm/1 cây; mật độ: 5 – 5, 7 vạn cây/ha.
+ 75 – 80cm X 45cm/2 cây; mật độ: 6 – 6,3 vạn cây/ha.
+ Chú ý: mướp đắng cần phải làm giàn, tiến hành cắm giàn khi cây cao 25 – 30cm (cần 1.000 – 1.100 cây cắm/sào).
– Phân bón:
Tuyệt đối không được dùng phân chuồng tươi, phân bắc tươi và nước phân tươi để bón hoặc tưới.
+ Liều lượng phân chuồng:
Bón lót 15 – 20 tấn/ha (550 – 740kg/sào), cũng có thể dùng phân hữu cơ sinh học hoặc phân rác chế biến thay thế phân chuồng với lượng bằng 1/3 lượng phân chuồng.
+ Liều lượng và phương pháp bón phân hóa học.
+ Bón thúc:
• Lần 1: Cây có 4 – 5 lá thật.
• Lần 2: Bắt đầu nở hoa.
• Lần 3: Thu quả đợt 1.
• Lần 4: Thu quả đợt 3.
+ Có thể dùng nitrat amôn, sunfat amôn thay cho urê, clorua kali thay cho kali sunfat hoặc các dạng phân hỗn hợp, phức hợp NPK để bón với liều nguyên chất tương ứng. Ngoài biện pháp bón vào đất, có thể phun qua lá các dung dịch dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng theo hướng dẫn sử dụng của hãng sản xuất.
Sử dụng nước phân ủ hoai mục tưới xen kẽ các đợt bón phân hóa học để duy trì sự sinh trưởng của cây.
+ Làm cỏ, xới, vun kết hợp với 2 lần bón thúc đầu. Chủ yếu xới đất và vun cao trước khi cắm giàn.
+ Chỉ thu hoạch sau khi bón đạm ít nhất 10 ngày.
– Tưới nước:
+ Dùng nguồn nước tưới sạch (nước sông, giếng khoan) không dùng nguồn nước thải (bệnh viện, sinh hoạt…) chưa qua xử lý để tưới.
+ Cần giữ độ ẩm đất 80 – 85% vào các đợt hoa cái nở rộ.
– Phòng trừ sâu bệnh:
+ Sâu hại:
• Ruồi đục trái (Bactrocera cucurbitae):
Ruồi có hình dạng và kích thước rất giống ruồi đục trái cây, nhưng chỉ gây hại trên các cây họ bầu bí. Ấu trùng là dòi có màu trắng ngà, đục thành đường hầm ngoằn ngoèo bên trong làm quả thối vàng, rụng sớm.
Nên thu gom tiêu diệt quả rụng xuống đất, cày phơi đất sau vụ hoặc cho nước ngập ruộng vài ngày để diệt nhộng. Phun ngừa ruồi bằng các thuốc Sherpa, Karate, Cyper-alpha, Cyperan. Nếu ruồi ở mật độ cao có thể dùng giấm pha với một ít đường và trộn vối thuốc trừ sâu, xong đặt rải rác, 6 – 10m một bẫy. Cũng có thể dùng giấy báo, bao ny-long để bao quả sau khi quả đậu 2 ngày.
• Rầy lửa, bọ trĩ, bù lạch (Thrips sp.):
Thành trùng và ấu trùng rất nhỏ có màu trắng hơi vàng, sống tập trung trong đọt non hay mặt dưới lá non, chích hút nhựa cây làm cho đọt non bị xoăn lại. Bù lạch phát triển mạnh vào thời kỳ khô hạn, thiệt hại do bọ trĩ, bọ dưa có liên quan đến bệnh siêu trùng. Nên kiểm tra thật kỹ để phát hiện sớm ấu trùng bù lạch.
Bù lạch có tính kháng thuốc rất cao, nên định kỳ 7 – 10 ngày/lần phun dầu khoáng DC-Tron plus (Caltex) sẽ giảm đáng kể sự tấn công của bù lạch; khi thấy mật độ vài ba con trên một đọt non cần phun một trong các loại như Confidor 100SL, Admire 50EC, Danitol 10EC, Vertimec…0.5 – 1%, cần thay đổi thuốc thường xuyên.
• Rệp dưa, rầy nhớt (Aphis spp.):
Còn được gọi là rầy mật, cả ấu trùng lẫn thành trùng đều rất nhỏ, dài độ 1 – 2mm, có màu vàng, sống thành đám đông ở mặt dưới lá non từ khi cây có 2 lá mầm đến khi thu hoạch, chích hút nhựa làm cho ngọn dây dưa chùn đọt và lá bị vàng. Rầy truyền các loại bệnh siêu vi khuẩn như khảm vàng. Chúng có rất nhiều thiên địch như bọ rùa, dòi, kiến, nhện nấm., nên chỉ phun thuốc khi mật độ quá cao ảnh hưởng đến năng suất. Phun các loại thuốc phổ biến như thuốc trừ bọ rầy dưa hoặc Trebon. .
• Bướm:
+ Bướm nhỏ, màu nâu, khi đậu có hình tam giác màu trắng ở giữa cánh, hoạt động vào ban đêm và đẻ trứng ròi rạc trên các đọt non. Trứng rất nhỏ, màu trắng, nở trong vòng 4 – 5 ngày. Sâu nhỏ, dài độ 8 – 10mm, màu xanh lục có sọc trắng đặc biệt ở giữa lưng, thường nhả tơ cuốn lá non lại và ở bên trong ăn lá hoặc cạp vỏ trái non. Sâu đủ lớn, độ 2 tuần làm nhộng trong lá khô.
Phun thuốc ngừa bằng các loại thuốc phổ biến trên đọt non và trái non khi có sâu xuất hiện rộ như thuốc trừ rệp dưa, bọ rầy dưa.
+ Bệnh hại:
• Bệnh đốm phấn, sương mai:
Nguyên nhân do nấm
Pseudoperonospora cubensis gây ra. Lúc đầu, ỏ mặt trên lá vết bệnh nhỏ màu xanh nhạt, sau đó chuyển sang màu vàng nâu và giới hạn trong các gân phụ của lá, nên đốm bệnh có hình góc cạnh. Bên dưới ngay vết bệnh có lớp tơ nấm lúc đầu màu trắng sau đó chuyển sang màu vàng tím. Nhiều vết bệnh liên kết lại làm lá vàng, cây phát triển chậm, trái nhỏ kém chất lượng. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiên ẩm đô cao.
Phun Curzat M-8, Mancozeb 80 WP, Copper-zinc, Zin 80WP, Benlate-C 50 WP hoặc Ridomil 25WP 1 – 2 % kết hợp tỉa bỏ lá già.
• Bệnh thán thư:
Nguyên nhân do nấm Colletotrichum lagenarium gây nên. Bệnh gây hại trên hoa, cuống trái, trái non và cả trái chín, vết bệnh trên trái có màu nâu tròn, lõm, khi bệnh nặng các vết này liên kết thành mảng to gây thối trái và làm trái rụng sớm.
Phun Manzate 200, Mancozeb 80WP, Antracol 70W, Curzate M8, Copper-B, Topsin-M, Benlat-C 50WP nồng độ 2 – 3%.
– Thu hoạch:
+ Sau khi gieo 48 – 50 ngày (giống địa phương) và 45 – 50 ngày (giống nhập nội) thì bắt đầu được thu quả (sau khi thụ phấn khoảng 7-10 ngày).
+ Cần chú ý thu đúng thời kỳ quả chín để đạt cả năng suất và chất lượng.
+ Cần tỉa bỏ quả bị sâu hại và quả nhỏ trong quá trình chăm sóc.
Nếu thực hiện đầy đủ quy trình này, năng suất có thể đạt từ 15 – 21,4 tấn/ha.

Bình luận

Bản quyền © 2019.