Nuôi cua biển thương phẩm ở Cà mau – kỹ thuật nuôi cua biển

Cập nhật lúc:20/06/2019, 14:07

Phát huy thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, nông dân huyện Đông Hải đã tận dụng diện tích mặt nước ao hồ để nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Trong đó có mô hình nuôi cua biển

 
Cua biển thích hợp với môi trường nước mặn, vốn đầu tư không nhiều, dễ nuôi, không đòi hỏi kỹ thuật cao, ít bệnh mà lãi nhiều. Vì vậy, nhiều nông dân đã nuôi cua biển để phát triển kinh tế gia đình. Mô hình này chẳng những tiết kiệm chi phí mua thức ăn (nhờ tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong ao nuôi như cá tạp, ốc, còng…), mà còn ít bị rủi ro trong quá trình nuôi.

 Anh Huỳnh Thanh Danh (ấp An Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) cho biết: “Ở đây có rất nhiều người nuôi cua, vì nuôi cua ít vốn mà lại lời nhiều, có thể thả cua nuôi xen vào vuông tôm sú để tăng thu nhập. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ cua cũng khá ổn định”. Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán 2013, giá cua gạch là 450.000 đồng/kg, còn cua y dao động từ 180.000 – 220.000 đồng/kg. Điều này đã làm cho nông dân an tâm và tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình nuôi cua biển. Do huyện Đông Hải nằm ven biển và có nhiều cánh rừng ngập mặn, nên lượng cua giống tập trung ở đây khá nhiều. Vì thế, nguồn giống chủ yếu được cung cấp từ địa phương và rất dồi dào.

Anh Mai Văn Thiết (ấp Hòa I, xã Long Điền, huyện Đông Hải) nói: “Thời điểm này, tôi và bà con ở đây bắt đầu thả cua giống, mật độ thả bình quân từ 1 – 2 con/m2. Tới tháng 7 – 8 bắt đầu thu hoạch dần và thả nối tiếp cho vụ sau. Ước tính, trừ chi phí thì tôi còn lãi từ 15 – 20 triệu đồng/ha/vụ. Nhiều gia đình ở ấp này thoát nghèo, có đời sống ổn định nhờ nuôi cua”.

Cua biển là một trong những loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Vì thế, mô hình nuôi cua biển đã mở ra hướng phát triển mới cho nông dân. Đồng thời, góp phần cải tạo môi trường ao hồ bị ô nhiễm

Nuôi cua biển trong vuông tôm nuôi kết hợp cua tôm

1. Mùa vụ thả cua

Thực tế cho thấy cua biển sinh trưởng và phát triển tốt ở môi trường nước có độ mặn dao động trong khoảng 15 – 25‰.  Bà con nên bố trí thả giống vào khoảng tháng 2 – 3, thu hoạch dứt điểm vào khoảng tháng 7 – 8 dương lịch vì trong khoảng thời gian này độ mặn còn thích hợp cho cua phát triển, nếu thả cua trễ vào khoảng tháng 9 – 12 lúc này mưa nhiều làm độ mặn trong các vuông nuôi xuống rất thấp, đặc biệt đối với khu vực sản xuất lúa trên đất tôm như: Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai độ mặn xuống rất thấp nên thả cua vào thời điểm này tỷ lệ sống đạt không cao.

2.  Chọn giống

Có thể chọn giống tự nhiên hay nhân tạo nhưng phải đảm bảo chất lượng. Chọn cua giống phải đồng cỡ, đồng màu, có phản ứng nhanh lẹ, các phụ bộ đầy đủ. Không chọn cua giống có kích cỡ  quá nhỏ không có xác chết trong bể dèo.

Cua giống cho vào khay cua phải phân bố điều, không dồn cục và đổ nước vào cua phải phân tán nhanh và đều trong khay, khả năng đeo bám giá thể tốt.

3. Dèo cua giống

Đa số những hộ nuôi khi bắt cua giống về không ương dèo cua mà thả thẳng vào vuông nuôi nên tỷ lệ sống đạt không cao. Mặt  khác, do diện tích vuông nuôi tương đối lớn nên bà con xử lý các yếu tố môi trường chưa tốt như độ mặn, pH, độ kiềm …nên khi thả cua vào vuông nuôi cua dễ bị sóc gây hao hụt nhiều, khâu diệt tạp chưa tốt khi thả cua bị cá tạp ăn dẫn đến tỷ lệ sống không cao. Để khắc phục vấn đề này trước khi thả cua ra vuông nuôi bà con nên diệt cá tạp và dèo cua trong ao khoảng 15 – 20 ngày để hạn chế cua bị hao hụt.

* Lợi ích khi làm ao dèo:

Khâu chăn sóc và quản lý được dễ dàng, chi phí cải tạo ao thấp, ta có thể đều chỉnh các yếu tố môi trường nước như: độ mặn, pH, độ kiềm … nằm trong khoảng thích hợp để khi thả cua không bị sốc nước, khống chế địch hại dễ dàng hơn.

Để ương cua trong ao dèo đạt hiệu quả cao bà con cần lưu ý:

+ Tùy theo số lượng giống thả mà bà con xây dựng ao dèo lớn hay nhỏ nhưng phải đảm bảo mật độ ương trong ao dèo không quá 5 con/m2.

+ Ao dèo trước khi thả giống phải được cải tạo kỹ: sên vét bùn đáy ao, bón vôi với liều từ 15-20 kg/1.000 m2, lấy nước vào đầy ao qua lưới lọc hạn chế tôm cá tạp. Sau đó dùng saponin với liều 20 kg/1.000m3 diệt cá tạp, kiểm tra lại các yếu tố môi trường nước điều chỉnh vào khoảng thích hợp như pH (7,5 – 8,5), độ mặn (15 – 25‰), độ kiềm (80 – 150 mg CaCO3/lít).

+ Do đặc tính của cua hay ăn thịt lẫn nhau, trong ao dèo nên đặt giá thể để cho cua trú ẩn, giá thể được bố trí khắp ao dèo.

+ Trong quá trình ương cua trong ao dèo, ta nên bổ sung thức ăn cho cua. Có thể cho cua ăn cá tạp có sẵn ở địa phương, cá được hấp chín, làm nhuyễn tạt đều khắp ao với liều 0,5 – 1 kg cho 1.000 con cua giống.

4. Mật độ thả cua

Để cua không cạnh tranh thức ăn với tôm sú và không ăn lẫn nhau bà con nên thả cua với mật độ: 1 con/20m2, Tôm sú: 1 con/m2.

5. Chăm sóc và quản lý

Khi chuyển cua ra vuông nuôi để đảm bảo cua sinh trưởng và phát triển tốt bà con cần lưu ý vấn đề sau:

Thả tôm sú trước từ 1 – 1,5 tháng trước khi thả cua.

Để hạn chế cua thất thoát ra vuông nuôi: Bờ bao phải đảm bảo chắc chắn không bị mọi, rò rỉ nhằm tránh nước bị rò rỉ trong suốt thời gian nuôi. Chiều rộng mương tối thiểu phải đạt từ 2 – 3m, chiều sâu mương đạt 1,2 – 1,5 m để giữ được mức nước mặt trảng khi nuôi đạt từ 0,5 m trở lên để đảm bảo các yếu tố môi trường trong vuông nuôi được ổn định, tạo điều kiện cho cua lên trảng tìm thức ăn. Trên bờ vuông nên để cỏ không nên dọn trống, dùng lưới rào kỹ những chỗ có nguy cơ thất thoát cua như: chỗ lấy nước vào, những đoạn bờ dễ sạt lở.

Định kỳ theo dõi các yếu tố môi trường nước để điều chỉnh vào khoảng thích hợp cho cua phát triển tốt. Trong vuông nuôi phải có chỗ để cua trú ẩn và lột xác sinh trưởng (dưới mương bao nên đặt chà, trên trảng có thể trồng năng tượng  mật độ vừa phải để làm nơi trú ẩn cho cua).

Trong vuông phải có đủ thức ăn cho cua ăn (Có thể thả thêm cá phi, ốc… vào vuông để cho cua ăn). Định kỳ 15 – 20 ngày thay nước 01 lần, mỗi lần thay 20 – 30% lượng nước trong vuông  để kích thích cho cua hoạt động, ăn nhiều, lột xác tốt.

Thường xuyên kiểm tra bờ, cống, rào chắn để kịp thời sửa chữa, trách để cua thoát ra ngoài.

Hiệu quả từ nuôi cua biển thương phẩm cắt vụ 

Do không dịch bệnh, dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện môi trường vùng nuôi nên nhiều hộ dân nâng cao mật độ nuôi cua thương phẩm mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/vụ nuôi.

Cua biển hiện được nông dân chuyển từ nuôi quảng canh truyền thống sang nuôi ở mật độ dày 1 con/m2 cho sản lượng thu hoạch khá cao.

Nuôi cua biển thương phẩm ở Cà mau – kỹ thuật nuôi cua biển

Nhiều điểm lợi

Nắm bắt được dịp Tết Nguyên đán hằng năm là giá cua thương phẩm tăng cao, nhiều người dân thường canh thời gian thu hoạch để bán sản phẩm. Nhưng để làm được việc đó, đòi hỏi người nuôi cua phải am hiểu kỹ thuật bởi vào thời điểm thả giống, nước trong vuông thường không có độ mặn nên thả cua giống đạt tỷ lệ sống rất thấp, dẫn đến không hiệu quả.

Anh Nguyễn Văn Định, ấp Tân Hoà, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, mạnh dạn đầu tư cho diện tích 1,2 ha nuôi cua cắt vụ ngay từ đầu. Rút kinh nghiệm những năm trước thả nuôi cua đến thời điểm thu hoạch rộ vào tháng 10-11 âl mà cua chưa có giá nên năm nay, anh Định nuôi vụ chính vào tháng 7 để sau 5-6 tháng nuôi sẽ thu hoạch cua gạch trong tháng 12 âl, lúc này giá cua tăng mạnh.

Anh Định cho biết, những năm trước gia đình anh chỉ thả nuôi cua biển xen vào vuông nuôi tôm sú theo hình thức nuôi truyền thống để tăng thu nhập. Nhận thấy có hiệu quả nên trong năm 2012, anh đầu tư nuôi cua biển theo hình thức cao hơn, nuôi cho ăn. Hiện cua đang cho thu hoạch, nếu thu triệt để lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Anh Ngô Minh Đẳng, ấp Vàm Sáng, xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, lần đầu tiên chuyển đổi hình thức nuôi cua từ mật độ thưa sang mật độ 1 con/ m2. Sau 4 tháng anh thu hoạch đạt 2 tấn cua thương phẩm/2 ha nhưng hiện tại lượng cua trong vuông vẫn còn khá nhiều.

Anh Đẳng cho biết, lúc đầu thu hoạch, giá cua thương phẩm chỉ đạt từ 90.000-120.000 đồng/kg, về sau tăng lên 260.000 đồng và hiện có giá trên 300.000 đồng/kg. Gia đình anh thu lãi trên 250 triệu đồng.

“Quy trình kỹ thuật nuôi không khó để người dân áp dụng. Chỉ cần bờ bao chắc chắn, khâu thuốc cá phải triệt để bởi đối tượng lịch, cá tạp trong vuông nuôi rất nhiều. Đây là đối tượng ăn cua con và cua lột, người dân thường không chú ý mà thả cua nên số lượng không đạt, hiệu quả không cao.

Người nuôi cua cần lưu ý thêm nên thả chà làm chỗ cho cua ẩn nấp. Tích cực cho ăn, không để cua đói ăn thịt nhau thì tỷ lệ sống cũng như sức sinh trưởng của cua đạt hiệu quả cao”, anh Đẳng cho biết thêm.

Hướng đi mới cho độc canh

Cua biển hiện đang mang lại hiệu quả và thu nhập cao cho nông dân, đó là nhờ sự mạnh dạn chuyển đổi từ xen canh sang độc canh cho từng đối tượng tôm sú và cua biển. Hướng đi này cũng là bài học kinh nghiệm của anh Định trong năm 2011  khi nuôi xen canh cua với tôm sú, khi con tôm bị bệnh kéo theo cua cũng nhiễm bệnh và chết làm thất thu cả 2 đối tượng này.

Sự tách biệt, cắt vụ cho từng đối tượng sẽ ngăn các đối tượng gây bệnh phát triển hay gây hại cho đối tượng khác.

Anh Định cho biết thêm: “Tôi nhận thấy sự thay đổi của thời tiết hiện nay cũng như tình hình dịch bệnh trên các đối tượng nuôi nhiều. Việc cắt vụ tôm sú để quá trình cải tạo vuông nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật một cách triệt để. Từ đó, môi trường ao nuôi được bảo đảm, cua sinh trưởng và phát triển tốt, đạt hiệu quả cao”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Phú Nguyễn Đình Chiểu nhận định: “Nếu tính kinh tế trên đối tượng con cua thì phải nuôi riêng, phải cắt vụ để bảo đảm kỹ thuật cũng như sự thành công cao từ đối tượng này. Hiện hội viên nông dân toàn xã áp dụng mô hình này nhiều và hứa hẹn cho thu nhập cao”.

Việc xác định đúng đối tượng, cách thức cũng như thực hiện đúng quy trình nuôi sẽ đem lại hiệu quả cho mô hình nuôi cua theo hình thức độc canh. Đây sẽ là khởi đầu thay đổi cách làm của nhiều nông dân

Bình luận

Bản quyền © 2019.