Nuôi cá thát lát cườm ghép cá sặc rằn – Hiệu quả gấp đôi
Cập nhật lúc:20/06/2019, 10:09
Năm 2014, từ nguồn vốn sự nghiệp, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (KNKN) Trà Vinh triển khai và thực hiện mô hình trình diễn nuôi cá thát lát cườm ghép với cá sặc rằn bằng thức ăn công nghiệp tại 2 huyện Tiểu Cần và Trà Cú.
Mô hình được triển khai trên diện tích 2.500m2, với 20.000 con giống cá thát lát và 5.000 con cá sặc rằn, tỷ lệ ghép cá thát lát và sặc rằn là 8:2.
Trung tâm KNKN Trà Vinh hỗ trợ 100% chi phí con giống và tổ chức 5 cuộc tập huấn, tọa đàm, tham quan cho 164 lượt người tham dự, cử cán bộ hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi cho các hộ tham gia mô hình.
Sau 8 tháng nuôi, năng suất cá thát lát ước đạt 6,1 tấn, cá sặc rằn ước đạt 0,5 tấn, với giá bán cá thát lát là 58.000 đồng/kg, cá sặc rằn 35.000 đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận thu được từ 30-35 triệu đồng/1.000m2 ao nuôi.
Thát lát cườm là loài cá ăn tạp, có thể ăn thức ăn tự chế từ nguồn cá tạp, phế phẩm nông nghiệp và thức ăn công nghiệp; khi nuôi ghép, cá sặc rằn tận dụng thức ăn thừa và dọn dẹp nền đáy ao. Đây là những loài cá thích hợp với điều kiện ở vùng nước ngọt, lợ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Nhưng để đạt hiệu quả cao, cần chú ý các điều kiện như: mực nước thả nuôi tốt nhất từ 1,5 -1,7 m, cá giống mang về tốt nhất nên có thời gian ương dưỡng trong vèo; khi mua giống cần chọn đàn cá màu sắc sáng bóng, hoạt động nhanh nhẹn, kích cỡ phải tương đối đồng đều, đặc biệt là đã chuyển sang ăn thức ăn công nghiệp.
Qua đánh giá, nhìn chung cá phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng nhanh, đồng đều, hạn chế được ô nhiễm môi trường, ít tốn công chăm sóc, mang lại lợi nhuận cao. Đây là mô hình có khả năng phát triển, cần được chú ý đầu tư và nhân rộng cho người dân trong thời gian tới
HIỆU QUẢ MÔ HÌNH NUÔI CÁ THÁT LÁT CƯỜM GHÉP SẶC RẰN
Ông Nguyễn Văn Thành, 52 tuổi, ở ấp Hòa An B, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang là người đầu tiên trong huyện áp dụng thành công mô hình nuôi cá thát lát cườm ghép cá sặc rằn trong ao. Ông Thành cho biết, sau khi được cán bộ tổ kinh tế kỹ thuật xã Ngọc Hòa hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá thát lát cườm ghép cá sặc rằn trong ao, tháng 5/2013, ông đã mạnh dạn đầu tư vốn nuôi cá với 700m2 mặt nước, ông thả 8.000 con cá thát lát cườm giống (cở giống 8-10 cm), ghép với 40 kg cá sặc rằn giống cở giống 300 con/kg.
Trước khi thả nuôi, ông Thành tiến hành cải tạo và gây màu nước ao. Ông tát cạn ao, diệt cá tạp bằng dây thuốc cá, vét bùn đáy ao lấp hết các han mội và diệt trừ mầm bệnh bằng vôi bột, liều lượng 50kg/700m2, dùng lưới bao xung quanh bờ ao, sau đó phơi đáy ao 3 ngày. Tiếp theo, ông bơm nước vào ao đến khi mực nước đạt 1,5m và khoảng 7 ngày sau, nước trong ao có màu xanh của tảo thì tiến hành thả cá. Cá Thát Lát cườm giống mới mua về ông thả trong mùng lưới đặt trong ao. Ông làm mùng lưới như sau: Đầu tiên ông đóng các đoạn cây tre xuống ao theo hình chữ nhật. Mua lưới cước về may với chiều cao khoảng 2m, chiều rộng 2m và chiều dài từ 15m. Sau đó, mắc lưới vào các trụ cây như hình cái mùng lật ngữa rồi thả cá thát lát cườm vào ương nuôi. Giai đoạn 30 ngày đầu, ông Thành vèo cá trong ao nuôi và cho cá ăn bằng cá tạp xay nhuyễn để trong sàn ăn, nhằm dễ quản lý và tập cho cá quen dần với môi trường ao nuôi. Sau hơn 1 tháng ương, ông Thành tháo mùng lưới cước ra nuôi trong ao và tiếp tục sử dụng thức ăn cá tạp (cá biển) xay nhuyễn; đồng thời, tăng lượng thức ăn lên theo quá trình tăng trưởng của cá. Trong 3 tháng đầu, định kỳ 15 ngày, ông thay nước ao một lần. Mỗi tháng một lần, ông Thành trộn bổ sung lượng Vitamin C và khoáng chất vào trong thức ăn cho cá, nhằm tăng sức đề kháng và giúp cá tăng trọng nhanh. Từ tháng thứ 3 đến khi thu hoạch ông Thành thấy nước ao dơ có mùi hôi là ông thành tiến hành thay 1/3 nước ao nuôi.
Theo tính toán của ông Thành, đầu tư khoảng 4.2 kg thức ăn thì thu được 1 kg cá thát lát cườm thương phẩm. Việc phòng ngừa dịch bệnh cho cá, ông cũng thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ tổ kinh tế kỹ thuật. Lợi thế của việc nuôi cá sặc rằn ghép với cá thát lát cườm là cá sặc ăn rong, tảo, chất thải và thức ăn thừa của cá thát lát cườm, do đó hạn chế ô nhiễm môi trường nước ao nuôi, giảm thiểu dịch bệnh. Sau 5 tháng nuôi ông Thành đã thu hoạch cá thát lát cườm đạt trọng lượng bình quân 3-4 con/kg. Sản lượng đạt 2.200 kg cá thát lát cườm thương phẩm, 1.000 kg cá sặc rằn thương phẩm. Với giá cá thát thát cườm thương phẩm là 67.000 đồng/kg, giá cá sặc rằn là 38.000đồng/kg, ông có tổng thu nhập 185 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc, ông Thành lãi hơn 70 triệu đồng. Ông Thành chia sẽ, nuôi cá thát lát cườm ghép cá sặc rằn trong ao sử dụng thức ăn cá tạp (cá biển), tuy chi phí đầu tư cao, nhưng bù lại hai loại cá này rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp và phẩm chất thịt cá thơm ngon, bán được giá cao… Người nuôi chỉ cần cho đàn cá ăn đầy đủ, chăm sóc, phòng ngừa bệnh cho cá đúng quy trình kỹ thuật thì cá tăng trưởng nhanh, đồng đều và đạt lợi nhuận đáng kể. Ông Thành cho biết thêm, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư nuôi cá thát lát cườm ghép cá sặc rằn trong ao.
Mô hình nuôi cá thát lát cườm ghép cá sặc rằn thăm canh trong ao là mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, đang được các ngành chức năng nghiên cứu phát huy và nhân rộng, nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi trong nông nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển và giải quyết việc làm cho nguồn lao động nhàn rỗi ở địa phương. Nhiều bà con đang tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Thành để học hỏi kinh nghiệm nuôi cá, nhằm tăng thu nhập cho gia đình.
Bình luận