Cách nuôi baba ở Việt Nam
Cập nhật lúc:20/06/2019, 13:32
Ba ba là động vật hoang dã sống ở sông ngòi tự nhiên. Ba ba có 4 loài: Ba ba hoa, ba ba gai, cua đinh và lẹp suối. Trước những năm 90 ngành nuôi trồng thuỷ sản chưa quan tâm đến đối tượng này. Từ 1991 – 1992, giá ba ba trên thị trường tăng cao, một số gia đình ở các tỉnh Hải Hưng, Hà Tây, Hà Bắc đứng ra thu gom ba ba tự nhiên để xuất bán cho Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan, càng về sâu lượng ba ba tự nhiên càng khan hiếm, một số gia đình mua ba ba nhỏ về nuôi lớn lên để xuất bán. Nghề nuôi ba ba bắc đầu hình thành từ đó.
Tổng kết kinh nghiệm trong nhân dân, một số nhà khoa học đã khuyến khích nhân dân nuôi. Đến năm 1992 tỉnh Hải Hưng đã có gần 200 gia đình nuôi có kết quả và có hiệu quả kinh tế khá, một số gia đình thuộc các tỉnh Hà bắc, Hải Phòng, Hà Tây, Yên Bái học tập làm theo.
Năm 1993 tổ chức khuyến ngư TW (Vụ Nghề Cá ) Bộ thuỷ sản đã tổng kết chung và tổng kết kinh nghiệm một số hộ gia đình nuôi khá ở một số tỉnh, tổ chức hội nghị toàn quốc khuyến khích phát triển, sản xuất ba ba giống, nuôi ba ba thương phẩm trong các gia đình.
Thực hiện chủ trương đó nhà nước đã đầu tư cho các tỉnh miền núi, trung du, đồng bằng mỗi tỉnh 1 – 2 mô hình trình diễn, làm cơ sở rút kinh nghiệm mở rộng ra đại trà. Hệ thống khuyến ngư từ trung ương đến các tỉnh đã theo dõi và tổng kết khuyến cáo từng bước mở rộng.
Toàn quốc năm 1992 chỉ mới trên 200 hộ gia đình ở Hải Hưng, Hà Bắc, sau 5 năm khuyến khích hướng dẫn nhân dân đã phát triển lên trên 6.000 hộ. Trước đây chỉ phát triển ở một số tỉnh miền bắc, sau 5 năm đã phát triển ra 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Các tỉnh miền núi, trung du: trước năm 1992 chưa có cơ sở nào nuôi, năm 1994 Yên Bái đã tổ chức tham quan Hải Hưng xây dựng mô hình, năm 1997 đã có trên 300 hộ gia đình nuôi, phát triển ra 34 huyện, hình thành 6 chi hội nuôi ba ba. Các gia đình đều có thu nhập và có lãi, có gia đình thu nhập 20-30 triệu đồng. Các tỉnh miền núi khác cũng lần lượt phát triển như huyện Việt Yên ( Hà Bắc ), cả huyện có tới 700 hộ nuôi, có cả một làng nuôi ba ba như thôn Vân Trung. Ở tỉnh Lâm Đồng từ một mô hình trình diễn nay đã phát triển ra trên 100 hộ gia đình; các tỉnh Đắc Lắc, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng đều có cơ sở nuôi có hiệu quả, ít bệnh tật, đã và đang có sản phẩm hàng hoá.
Các tỉnh đồng bằng: ngoài Hải Hưng, sau những năm khuyến ngư động viên các cơ sở mở rộng nuôi khá nhanh ở miền Bắc như Hà Bắc, Hà Tây, Hải Phòng. Miền Trung phát triển ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quãng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hoà.
Từ những tỉnh trước đây không có cơ sở nào, sau 3-4 năm đã mở rộng, tỉnh ít nhất là 30-40 hộ gia đình, tỉnh nhiều 700-1200 hộ gia đình. Tỉnh Bình Định từ một mô hình trình diễn thành công, tỉnh đã tổng kết và dành 350 triệu đồng, tiền vốn đầu tư mở rộng ra 11 huyện trong tỉnh. Đặc biệt các tỉnh miền Nam chưa có tập quán nuôi giống ba ba hoa, kinh nghiệm chưa có, sau khi đi tham quan các tỉnh miền Bắc và khuyến ngư phổ biến, nhân dân các tỉnh tiếp thu rất nhanh và đầu tư lớn phát triển nuôi từ Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Thành Phố Hồ Chí Minh có trên 1.000 hộ, có hộ đầu tư trên 500 triệu đồng xây dựng cơ sở và trên 1 tỷ đồng mua giống, cho đẻ sản xuất gần 2 vạn con giống, cung cấp đủ cho các tỉnh miền Nam thu về 200-300 triệu đồng 1 năm.
Các tỉnh ven biển: Vùng nước lợ và nước ngọt giao lưu nhau cũng phát triển cơ sở nuôi như Xuân Thuỷ Nghĩa Hưng ( Nam Định), Kim Sơn Ninh Bình, Hải Phòng và vùng cuối sông Kinh Thầy ( Hải Hưng ), các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh ba ba đều phát triển tốt, thức ăn nhiều, giá thức ăn hạ hơn vùng nội đồng.
Giống nuôi: Từ một động vật hoang dã, sinh sản tự nhiên, sống chủ yếu ở sông suối, đầm hồ lớn, số lượng giống ít. Khi phát động phong trào nuôi chủ động, yêu cầu con giống đặt ra lớn, khuyến ngư đã khuyến khích, tổng kết kinh nghiệm các gia đình nuôi vỗ ba ba bố mẹ và cho đẻ, tự sản xuất lấy giống nuôi. Chỉ sau 2 năm một số hộ của Hải Hưng cho ba ba đẻ, ương ấp được con giống, đã được mở rộng ra các tỉnh Bắc, Trung, Nam cho đẻ và sản xuất được 30 vạn con năm 1994, đến năm 1997 đã sản xuất được 2 triệu con giống, tăng gấp hơn 6 lần năm 1994, cung ứng đủ giống cho nhân dân nuôi, không phải nhập của nước ngoài.
Qua 5 năm chỉ đạo phát triển việc nuôi ba ba, thời gian chưa dài, song đã cho kết quả, chuyển ba ba từ động vật hoang dã thành vật nuôi dưỡng trong gia đình, tạo ra một nghề chăn nuôi mới có thu nhập khá, tạo ra một mặt hàng xuất khẩu tăng thêm việc làm cho nhân dân. Về mặt kỹ thuật bước đầu có một số nhận xét như sau:
1. Môi trường đất, nước có vị trí quyết định quan trọng đến tốc độ lớn, đến bệnh tật của ba ba nuôi
– Đặc điểm của ba ba thích sống ở sông, suối, đầm, hồ nước sạch, đáy cát hoặc đất sét, ăn động vật : tôm, cá, ốc, giun.
– Nuôi ba ba chủ động phải dùng các thức ăn động vật như: tôm, cá, ốc, thực phẩm phế thải trâu bò, lợn, để cho ăn. Thức ăn thừa và phân ba ba thải ra làm cho nước thối bẩn; ở mức độ nhẹ ba ba ít ăn, nặng sẽ không ăn, ba ba gầy đi, bệnh tật phát triển làm cho ba ba chết.
– Các ao nuôi ba ba thuộc vùng đất bạc màu, lượng N, P, K trong dất thấp, nước cũng nghèo các chất dinh dưỡng, ao nuôi ba ba có các thức ăn động vật, nước ít bị nhiễm bẩn, ba ba nuôi ít bệnh ăn khoẻ, phát triển nhanh, nước lại được thay dễ dàng. Thực tế nuôi ba ba 5 năm qua của các tỉnh miền núi Yên Bái, Lâm Đồng, Đắc Lắc, ba ba hoa nuôi lớn nhanh, 1 năm nuôi có thể tăng trọng từ 1 kg trở lên, ba ba gai có thể tăng trọng nhanh hơn, ba ba không bị bệnh, trên 300 gia đình nuôi phần lớn đều có lãi, có hộ lãi 30-40 triệu đồng 1 năm. Cơ sở phát triển nhanh, bước đầu có hàng hoá xuất bán. Huyện Việt Yên ( Bắc Giang ) là vùng đất bạc màu lượng N, P, K trong đất và nước rất thấp, song nghề nuôi ba ba lại phát triển nhanh trong vòng 3 năm đã có 700 gia đình nuôi. Làng Vân Trung có 180 hộ nuôi từ diện tích ao 15-20m đến 200-300m đều cho thu nhập khá và có lãi, ba ba lớn nhanh ít bệnh.
Ngược lại các tỉnh đồng bằng: đất nước màu mỡ, lượng muối dinh dưỡng ( N, P, K ) cao, ba ba nuôi phải thay nước hàng tuần, nếu không nước sẽ dễ thối bẩn do thức ăn thừa và phân thải ra, ba ba ít ăn gầy đi, bệnh tật phát sinh làm cho ba ba chết hoặc chậm lớn, 1 năm nuôi chỉ tăng 200-300g.
Vùng nước giao lưu nước ngọt và nước lợ: nuôi ba ba cũng tốt, nước triều lên xuống, nước trong ao được thay đổi thường xuyên, nước sạch ba ba ăn đều nên tốc độ tăng trọng nhanh, nuôi có hiệu quả.
Tóm lại, môi trường đất và nước có vai trò hết sức quan trọng đối với việc nuôi ba ba: nếu đất nước bạc màu, hàm lượng N, P, K trong đất, nước thấp thì thích hợp với việc nuôi ba ba. Vì vậy các tỉnh miền núi, trung du nuôi ba ba tốt hơn các tỉnh đồng bằng đất nước màu mỡ. Vùng đất nước lợ, ngọt giao lưu cũng nuôi ba ba được, vùng này thức ăn nhiều giá thành nuôi hạ, có hiệu quả.
2. Công trình nuôi:
Công trình nuôi được trình bày chi tiết ở phần kỹ thuật. qua thực tế cho thấy, công trình nuôi phải liên hoàn: có ao nuôi ba ba bố mẹ để sản xuất, ba ba giống để nuôi thành ba ba thương phẩm gối vụ nhau, năm thứ nhất đẻ ương nuôi đạt cỡ 200-300g cho năm thứ hai nuôi đối với miền Nam và năm thứ ba nuôi đối với miền Bắc. Bên cạnh ao nuôi ba ba bố mẹ có nơi đẻ, ấp và ương giống. Nuôi ba ba thương phẩm cần chú ý hệ thống bảo vệ và hệ thống thay nước liên hoàn.
Các tỉnh miền núi, trung du cần kết hợp gắn công trình nuôi với suối nước chảy, hệ thống sông máng hồ chứa nước để sử dụng được nguồn nước trong vào thay, tăng nước dễ dàng.
Các tỉnh vùng ven biển: phải gắn với nguồn nước triều lên xuống giữa ngọt và lợ ( nồng độ muối 4-5% dễ thay nước ba ba ít bị bệnh.
Những nơi đồng bằng: nguồn nước khó khăn, có thể dùng nước giếng khoan bơm lên tăng cường thay nước hoặc ương ba ba giống, giếng nước có hàm lượng sắt cũng giúp cho ba ba đỡ bị bệnh.
Công trình nuôi đều phải xây vững chắc, tường cắm sâu xuống đáy ( tránh ba ba đào ) trên mặt tường có mũ, góc phải trát nhẵn đánh bóng không cho ba ba leo ra. Tường cao hơn mặt nước cao nhất 0,6 – 0,8m.
3. Về giống nuôi:
Phần sản xuất giống được nói kỹ trong sách. Để cho năng suất, tỷ lệ đạt cao, việc nuôi vỗ ba ba bố mẹ sau khi đẻ là yếu tố quyết định chính lượng trứng và thụ tinh tỷ lệ cao. Ba ba bố mẹ lớn số lượng trứng nhiều, ba ba con nở ra lớn và tỷ lệ sống cao, khoẻ mạnh, khi nuôi thành giống đều, khoẻ, nuôi thành ba ba thương phẩm phát triển nhanh.
Ương ba ba giống thức ăn tốt nhất là giun, cá mè luộc cho ăn ngày 2 lần, sáng và chiều tối. 2-3 ngày phải thay nước. Giống ba ba nuôi tỷ lệ sống cao hơn, nuôi nhanh lớn, ít bệnh hơn.
4. Thức ăn:
Ba ba ăn động vật, bắt mồi tĩnh, không phải động vật đuổi bắt mồi. Các loại cá, tôm băm thái cho ăn phải được sửa sạch nhớt, máu mới thả xuống bãi hoặc giàn cho ăn, tránh nhớt, máu thả xuống dễ bị thối, nhiễm bẩn nước trong ao nuôi.
Thức ăn: tập trung cho ăn tích cực đối với ba ba bố mẹ từ tháng 6,7,8,9 cho ba ba béo, hình thành trứng, qua đông vỗ tiếp ba ba đẻ vào tháng 4, chất lượng sẽ tốt, tỷ lệ nở cao.
Loại thức ăn hiện nay tốt nhất vẫn là cá mè tươi băm thái cho ăn, các loại cá tạp chất lượng kém hơn. Ngoài ra phải bổ sung ốc cho ba ba, nhất là ba ba sinh sản
Nuôi ba ba – Mô hình “làm chơi ăn thiệt”
Gần 3 năm qua, ngư dân đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đã thử nghiệm và thành công bước đầu với mô hình nuôi cá bớp lồng bè. Hiệu quả từ mô hình này đã và đang giúp cho cư dân đảo Hòn Chuối có thêm nguồn thu đáng kể, cải thiện cuộc sống…
Hiệu quả ở xã vùng sâu:
Anh Nguyễn Thanh Sang, nông dân ấp Tân Lợi (xã Tân Tuyến, Tri Tôn), có thể xem là người tiên phong đem ba ba về nuôi ở vùng đất, nơi phần lớn nông dân chỉ tập trung trồng lúa hoặc dưa hấu. Trên khoảng đất trống rộng hơn 60m2 cặp hông nhà, anh Sang dùng những miếng tôn dày ngăn vách, chia 2 bồn nuôi, phía trong lót cao su để trữ nước.
Anh lại đổ đất thành gò ở giữa, thả lục bình vào để tạo môi trường tự nhiên cho ba ba. Ở lứa nuôi thử nghiệm đầu tiên năm 2011, anh Sang thả nuôi 500 con ba ba, lấy giống từ cơ sở Hồng Hân (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). “Ba ba là loài ăn tạp, dù là ốc, cá, cua… chúng đều không kén. Khi ba ba còn nhỏ, mình chịu khó xoay nhuyễn thức ăn sống, khi chúng lớn thì chỉ cần cắt thức ăn thành khúc, mỗi ngày cho ăn một lần.
Lượng thức ăn nên cho vừa đủ, tăng dần theo thời gian. Nếu không có thức ăn thừa thì nước trong bồn lâu bị dơ, cách 3 – 4 ngày thay nước cũng được, không cần thay hàng ngày như nuôi lươn hay ếch. Ba ba cũng là loài ít bệnh, hầu như không tốn tiền thuốc điều trị.
Tuy nhiên, khi ba ba sắp trưởng thành, phải tách con đực và con cái ra 2 bồn riêng, tránh hiện tượng con đực cắn con cái”, anh Sang chia sẻ kinh nghiệm.
Xuất phát điểm là 500 con ba ba giống chỉ nhỏ bằng nắp chai nước ngọt, sau 18 tháng nuôi, loại ra những con còn nhỏ, anh Sang thu hoạch được hơn 450 con ba ba thương phẩm.
Đối với ba ba loại I (từ 1,4kg/con trở lên), được thương lái vào tận nơi thu mua với giá 380.000 đồng/kg, loại II (từ 1 – dưới 1,4kg/con) có giá 230.000 đồng/kg, còn loại III (từ 0,8 – dưới 1kg/con) bán với giá từ 180.000 – 190.000 đồng/kg. Với lứa ba ba đầu tiên, anh Sang bán được trên 40 triệu đồng, trong khi vốn đầu tư chỉ hơn 10 triệu đồng.
Thấy “làm chơi ăn thiệt”, anh Sang tiếp tục thả nuôi lứa thứ 2 với 600 con giống, giá 3.500 đồng/con của cơ sở Hồng Hân. Sau 10 tháng nuôi, hiện tại đàn ba ba của anh Sang đã đạt trọng lượng 0,4 – 0,5kg/con, dự kiến sẽ đạt hơn 1kg/con sau 8 tháng nữa.
Mở rộng ở cù lao Ông Hổ:
Thấy nhiều nơi nuôi ba ba có hiệu quả, một số hộ dân ở ấp Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), tận dụng nguồn nước ngọt của sông Hậu đầu tư nuôi loài vật được xem là đặc sản này. Trong đó, anh Hà Nguyên Toàn (40 tuổi) đi tiên phong mô hình mới này, thu được lợi nhuận cao.
Anh Toàn kể, vào năm 2008, sau khi học tập kinh nghiệm từ người quen, anh về nhà xây 3 bồn xi-măng (diện tích khoảng 80m2), rồi mua con giống về nuôi.
Con giống lúc này chỉ bằng nửa ngón tay, bán với giá 8.000 đồng/con. Sau khoảng một năm rưỡi chăm sóc, anh thu hoạch thành công, trừ chi phí còn lời trên 30 triệu đồng. Thấy kết quả khả quan, anh tiếp tục thả nuôi 600 con ba ba. Sau 14 tháng chăm sóc, ba ba đạt trọng lượng gần 1kg.
Anh Toàn phân tích: “Hiện, giá ba ba thịt loại I dao động từ 350.000 – 400.000 đồng/kg. Sau 4 tháng nữa, tôi có thể bán được số ba ba này trên 80 triệu đồng, sướng hơn nuôi cá bè”.
Thấy anh Toàn làm ăn có hiệu quả, bà con ấp Mỹ Khánh 2 cũng bắt đầu nuôi ba ba. Trong đó, anh Nguyễn Thái Sáu (30 tuổi) đã xây 2 bồn xi-măng và 1 bồn cao su với chiều cao 1,5m, thả nuôi 500 con ba ba giống.
Toàn bộ bồn đều có hệ thống dẫn nước và thoát nước, dưới bồn phủ một lớp cát để ba ba không bị trầy xước. “Thức ăn hằng ngày của ba ba được tận dụng từ nguồn cá tạp hoặc thức ăn công nghiệp. Nên cho ba ba ăn vào ban đêm yên tĩnh để chúng ăn được nhiều, tăng trọng nhanh”, anh Sáu chia sẻ và cho biết sẽ xây thêm bồn, nhân rộng mô hình nếu lợi nhuận cao.
Ông Trần Văn Lữ, Trưởng ban ấp Mỹ Khánh 2, cho biết, do đây là mô hình mới nên trên địa bàn ấp chỉ có 3 hộ nuôi trong bồn xi-măng với số lượng khoảng 1.700 con, bước đầu cho thấy hiệu quả khá cao, tạo thu nhập đáng kể cho hộ dân và góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương.
Anh Nguyễn Thanh Sang cho biết, nếu có đủ vốn, anh sẽ đào ao nuôi ba ba trong chân ruộng, dùng tôn dày bao xung quanh, thả nuôi 6 con/m2, hiệu quả chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với nuôi chật hẹp trong bồn. “Tôi thấy bên Lấp Vò, người ta đào ao nuôi ba ba. Chỉ với vài công đất ruộng, nhiều người đã trở thành tỷ phú. Nếu được hỗ trợ vay vốn, tôi sẽ mở rộng cách làm này”, anh Sang nói.
Bình luận