Khá giả từ mô hình nuôi gà ác (gà ri) thương phẩm

Cập nhật lúc:20/06/2019, 10:22

Khá giả từ mô hình nuôi gà ác (gà ri) thương phẩm, đó là tấm gương sản xuất giỏi của chị La Phương Dung, ở ấp Mỹ An B, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Với mô hình chăn nuôi gà ác, gia đình người phụ nữ này đã thoát khỏi tình cảnh khó khăn, vươn lên làm giàu.

 

Con đường từ trung tâm xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) đến nhà chị La Phương Dung khá xa và quanh co, nhiều ngã rẽ, song chúng tôi tìm đến địa chỉ “trại gà ác” rất dễ dàng. Đa số người dân địa phương đều biết đến chị Dung và thể hiện tình cảm rất mến phục trước tinh thần vượt khó, chăm chỉ lao động vươn lên làm giàu của một phụ nữ “một nắng, hai sương”.

Chị La Phương Dung cho biết, vợ chồng anh chị trước đây rất khó khăn, canh tác 6 công ruộng nhưng giá cả bấp bênh, dịch bệnh hoành hành nên cuộc sống chỉ đủ ăn. Từ năm 1999 thấy mô hình nuôi gà ác có triển vọng nên chị quyết tâm đầu tư con giống, chuồng trại để chăn nuôi. Lúc đầu chưa am hiểu về kỹ thuật và ít vốn nên chị Dung chỉ nuôi thử nghiệm 200 con. Ở vùng nôn thôn sâu, người nông dân khó tiếp cận với cán bộ kỹ thuật có chuyên môn cao nên chị Dung chỉ học tỉa kinh nghiệm nuôi gà ác từ các tài liệu chăn nuôi mà bản thân sưu tầm được và xem từ các báo, đài phát thanh- truyền hình. Qua vài lần nuôi thành công, tích lũy được nguồn vốn và kinh nghiệm khá, chị bắt đầu nhân rộng đàn gà ác…

Đến nay, trang trại nuôi gà ác La Phương Dung rộng 2 .000 mét vuông với hàng chục ngàn con gà. Mọi kỹ thuật chăn nuôi, từ xây chuồng trại đến công tác tiêm phòng, phòng bệnh cho gà ác chị rất thành thạo. Từ ngày nuôi gà ác đến nay, trại gà của chị chưa hề bị dịch bệnh. Tiếp xúc với chúng tôi chị không ngần ngại nói hết về kỹ thuật chăn nuôi. Theo chị, gà ác rất khó nuôi, nhạy cảm với thời tiết nên phải duy trì việc tiêm phòng theo định kỳ, chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại.

Mỗi tháng trại gà ác của chị La Phương Dung ở xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo xuất chuồng khoảng 10.000 con gà thịt, 5.000 con gà giống và hơn 10.000 quả trứng lạc. Gần đây, giá gà ác ở mức cao, các sản phẩm của trại gà ác gia đình chị đều không đủ bán cho thương lái và người chăn nuôi. Cụ thể ở thời điểm này, giá gà thịt dao động từ 12.000 đ -13.000 đồng/con, gà con 4.000 đ/con, trứng lạc 1.700 đ/quả. Mỗi năm từ mô hình chăn nuôi gà ác, gia đình chị La Phương Dung có nguồn lãi hơn 300 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập rất cao mà người dân vùng nông thôn khó đạt được.

Chị Dung tiếp tục đầu tư kinh phí xây dựng chuồng trại kiên cố, đảm bảo an toàn sinh học. Năm 2010 này, trại gà ác của chị được Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam cấp chứng nhận “Thương hiệu Việt”. Ngoài ra, chị còn hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ con giống giúp cho nhiều phụ nữ nghèo cùng nuôi gà ác để thoát nghèo. Đơn cử như trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Sanh ở cùng ấp, trước đây hoàn cảnh rất nghèo, từ ngày chị Sanh nuôi gia công 3.000 con gà ác cho chị La Phương Dung, mỗi tháng cũng kiếm được tròm trèm 9 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Sanh vui vẻ nói: “Nhờ cô Dung giúp đỡ kỹ thuật, giống nuôi gà ác mà cuộc sống gia đình tôi thoát qua khốn khó. Còn đối với cô Dung phải nói là rất giỏi giang, đã làm nên cơ nghiệp, là người phụ nữ tiêu biểu của địa phương”.

Với vai trò là chủ một trang trại, công việc làm ăn của chị La Phương Dung rất bề bộn, không có thời gian rảnh rỗi. Chị cho biết, đã đầu tư hơn 700 triệu cho chuồng trại và tiếp tục đầu tư dần để hoàn thiện mô hình khép kín từ nuôi, ấp trứng đến giết mổ; đồng thời tiếp tục hỗ trợ cho phụ nữ nghèo nuôi gà ác.

Với tinh thần cần cù, vượt khó, chủ động trong sản xuất, tin rằng chị La Phương Dung sẽ tiếp tục gặt hái được kết quả cao, vừa làm giàu cho gia đình vừa giúp nhiều người cùng vươn lên từ nghề nuôi con gà ác.

Mô hình nuôi gà ác hiệu quả cao của nông dân Hòa Lộc – Bến Tre

Gà ác còn có tên là gà ngũ trảo, vì chân có 5 ngón. Thịt gà ác thơm, ngon hơn thịt gà thường và là một món thuốc bắc quý hiếm trên thị trường.

Cùng với việc nhân rộng các mô hình nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, nhiều hộ nông dân ở Hoà Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc đã phát triển mô hình nuôi gà ác. Tiêu biểu là anh Trần Văn Thuận ở ấp Hoà Phước.

Anh Thuận cho biết, mỗi tháng anh xuất bán khoảng 3.000 con gà ác thịt (mỗi con có trọng lượng 200 – 300g). Giá mỗi con trung bình 12.000 đồng. Trừ mọi chi phí con giống, thức ăn, anh có lãi khoảng 6 triệu đồng.

Anh Thuận giới thiệu “kho” trứng gà ác của mình. (Ảnh: T. Duyên)

Sức khoẻ yếu, không thể lao động nặng, vợ chồng anh Thuận chọn nghề nuôi gà để phát triển kinh tế. Anh chị đầu tư làm chuồng trại 50 triệu đồng.

Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm, anh chỉ nuôi 200-300 con thịt. Thấy có hiệu quả cao, tích luỹ được một số kinh nghiệm, anh mạnh dạn đầu tư nuôi gà thịt số lượng lên đến hàng ngàn con.

Anh Thuận cho biết, nuôi gà ác phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm ngừa các loại bệnh, đặc biệt là cúm A/H5N1. Chuồng trại cũng phải được vệ sinh hàng ngày, nước uống được xử lý trước khi đưa đến chuồng. Gà con được úm trong lồng lưới có đèn sưởi ấp.

Gà giống được mua ở tận Tiền Giang, có qua kiểm dịch. Sau 4 – 5 tuần tuổi gà có trọng lượng khoảng 20 gram. Khi đó, gà thịt được thương lái rất ưa chuộng.

Bên cạnh việc nuôi gà thịt, anh Thuận còn thu mua gà thịt của bà con địa phương để tiêu thụ. Thị trường chủ yếu là các chợ trong huyện và cả thương lái ở tận Long An.
Anh Thuận tiếp tục đầu tư nuôi gà giống. Hiện anh đã có 500 con gà mái và 100 gà trống để nuôi làm giống. Anh Thuận chia gà thành những chuồng nhỏ với tỷ lệ 40 gà mái 6 gà trống. Khoảng ba tháng, gà đã cho trứng.

Về kỹ thuật cho gà đẻ liên tục anh Thuận cho biết anh sử dụng đèn vào buổi tối, chỉ cho gà ngủ khoảng 6 tiếng. Ban đêm anh tăng cường thức ăn, cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Chuồng gà được thiết kế nghiêng để gà không giữ được trứng. Anh chị cho biết phải thường xuyên thăm trứng, không để cho gà giữ trứng, vì khi đó gà sẽ ngưng đẻ 5 – 6 ngày. Anh chị còn tận dụng mương dưới chuồng để nuôi cá tăng thu nhập cho gia đình.

Ngoài ra, anh Thuận còn đầu tư mua 1 máy ấp trứng với công suất 4.000 trứng/lần ấp với giá 4 triệu đồng, vừa để có gà giống nuôi, vừa cung cấp con giống cho các hộ chăn nuôi.
Mô hình nuôi gà ác thịt của anh Thuận đang mang lại hiệu quả khá cao. Việc chăm sóc gà tương đối đơn giản mà một nông dân nào cũng có thể làm được.

Nuôi gà ác là một mô hình mới. Điều kiện khí hậu của địa phương lại rất thích hợp với giống gà này. Do đó, nhân rộng mô hình và khuyến khích nông dân làm theo là điều cần thiết.
Ông Trần Văn Ngà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Lộc khẳng định: Đây là mô hình điển hình của xã và có hiệu quả hướng thị trường có tiềm năng cho nông dân sản xuất và tiêu thụ. Nông dân khuyến khích tạo điều kiện hỗ trợ cho gia đình phát triển có tính kế thừa. Mô hình này vừa nâng cao thu nhập vừa đảm bảo cuộc sống ổn định cho người nông dân chúng ta.”

Bình luận

Bản quyền © 2019.