Giữ giá thị trường sau bão

Cập nhật lúc:20/06/2019, 11:56

Ông Lê Văn Niên (xã Cao Quảng - huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình) ra đại lý mua 50 tấm lợp fibro xi măng đưa về lợp lại mái nhà bị bão làm tốc.

Ông cho hay: “Trước đây, giá mỗi tấm là 50 ngàn đồng. Sau bão, giá bán của cửa hàng đã lên 55 ngàn đồng...”.  

Chỉ một số mặt hàng tăng giá nhẹ

Sau bão, từ ngày 17/9, các hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã trở lại bình thường. Các mặt hàng thiết yếu đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng, giá cả nhìn chung cũng khá ổn định.

 
Từ thành thị đến nông thôn, giá rau xanh có biến động tăng mạnh từ 30 đến 50% do sau bão cây cối, rau màu bị thiệt hại nặng. Bà Phan Thị Lê (ở TP Đồng Hới) đi chợ về cho biết: “Một bó rau muống trước đây là 5.000 đồng, nay phải mua 7.000 ngàn. Giá có lên, nhưng không phải khan hàng”.


Các mặt hàng vật liệu xây dựng phục vụ cho nhu cầu sửa chữa nhà cửa của người dân đầy đủ chủng loại, đáp ứng đủ nhu cầu. Giá cả tùy theo từng vùng miền và khoảng cách đường đi. Một số mặt hàng vật liệu xây dựng giá có tăng nhẹ so với trước do nhu cầu tiêu dùng tăng.

Ông Nguyễn Văn Tiến (đại lý bán vật liệu xây dựng ở TP Đồng Hới) cho hay: “Tấm lợp fibro xi măng tăng từ 1.000 đến 2.000 đồng/tấm. Riêng ngày đầu sau bão, ở tại vùng xa trung tâm Đồng Hới fibro xi măng tăng 5.000 đồng/tấm”. Ngoài ra, tôn tăng 2.000 đến 5.000/m2 ở các vùng thuộc huyện Lệ Thủy, Minh Hóa… Các loại thép tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg”, gạch 6 lỗ, ngói tăng 300 đồng/viên… các dịch vụ vận tải, công lao động cũng bị đẩy giá lên.  

Tác động kịp thời

Không để giá thị trường có biến động lớn, làm ảnh hưởng đến đời sống đông đảo người dân, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo ngành Công thương và chính quyền các cấp, các ban ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường sau bão.

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các Đội quản lý thị trường phân công cán bộ theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa, giá cả để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tăng giá quá mức. Ông Trần Quang Trung - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết: “Chúng tôi đặc biệt chú ý đến việc theo dõi giá bán các mặt hàng là vật liệu xây dựng phục vụ nhu cầu sửa chữa các công trình của người dân sau bão. Giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng lợi dụng tăng giá, ép dân. Sau những ngày ra quân, đơn vị chưa nhận được thông tin về hiện tượng tăng giá quá mức, không phát hiện vụ việc vi phạm nào”.

Giữ giá thị trường sau bão
Người dân không lo lắng khi sửa chữa lại nhà cửa vì giá cả không tăng

Có nhiều doanh nghiệp chia sẻ với thiệt hại của người dân nên giữ đúng giá bán. Cty Diến Hồng (huyện Minh Hóa) dù nằm trên địa bàn huyện miền núi nhưng đã không tăng bất cứ mặt hàng nào. Thậm chí, khách hàng đến mua với số lượng nhiều đã được hỗ trợ một chút tiền vận chuyển.

Ông Cao Văn Diến - Giám đốc công ty chia sẻ: “Bà con đến mua tấm lợp hay mua ngói với số lượng nhiều thì chắc chắn gia đình đó bị thiệt hại lớn trong bão. Chúng tôi bớt chút lợi nhuận để hỗ trợ mong góp chút nhỏ nhoi giúp bà con”. Ông Nguyễn Văn Tiến cũng bộc bạch: “Ban đầu thì vậy, khi kinh doanh ai cũng muốn tăng giá lên một chút. Sau này ai cũng chia sẻ và đưa giá về phù hợp”.

Tại huyện Minh Hóa, hàng ngàn ha rừng trồng bị gãy đổ. Sau bão, nhân công chặt cây, ngày công bị đẩy lên, từ 300 ngàn thành 380 ngàn đồng. Giá ô tô vận chuyển keo tràm cũng theo đó vượt trội, trung bình mỗi chuyến tăng lên 200 ngàn đồng. Ông Đinh Hữu Niên - Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo các ngành khẩn trương có giải pháp để không trở thành điểm nóng. “Lực lượng an ninh có nhiệm vụ vận động các chủ xe không được tăng giá. Khối mặt trận, chính quyền thôn, xã, cơ quan quản lý thị trường, đảm nhận việc vận động mọi người có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ bà con bị thiệt hại về rừng trồng với giá nhân công như trước” - ông Niên cho hay.

Có sự tác động kịp thời, mọi việc dễ dàng hơn. Anh Cao Văn Dũng, một chủ xe vận tải ở thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa) nói: “Các anh bên công an giao thông huyện đã gặp gỡ, vận động nên phần lớn anh em chủ xe, lái xe đều hiểu và chia sẻ với bà con. Chúng tôi cũng đã tự nguyện cam kết không tăng giá. Giúp nhau trong hoạn nạn là điều nên làm”. Còn anh Đinh Tứ Phương - hội trưởng một nhóm nhân công chuyên đi cắt rừng trồng, cảm thông: “Tôi đã nói với anh em trong hội là bà con bị thiệt hại tiền triệu, tiền tỷ. Nay có bán được thì mười phần chỉ còn được đôi phần. Hãy chia sẻ, chung tay, chung sức. Anh em ai cũng nhất trí lấy giá công như trước khi bão đến thôi. Không tăng giá nữa”.

Đến ngày 22/9, cơ bản các mặt hàng ở Quảng Bình đã trở lại bình thường.

Tìm nơi bán gỗ cho dân

Toàn huyện Minh Hóa có gần 6.000 ha keo tràm vào thời kỳ khai thác bị bão làm gãy đổ. Để giúp dân tháo gỡ khó khăn, sau bão, lãnh đạo huyện đã tổ chức các đoàn công tác đến gặp gỡ DN các tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh… để kêu gọi thu mua gỗ cho người dân bị thiệt hại. “Đã có một số DN đồng ý thu mua với khối lượng lớn và cam kết giữ nguyên giá như trước bão” - ông Đinh Hữu Niên - Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho hay.

Bình luận

Bản quyền © 2019.