Nuôi trồng thủy sản Nam Định trắng tay sau bão

Cập nhật lúc:20/06/2019, 09:33

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Nam Định, toàn tỉnh ước tính có 4.000ha nuôi trồng thủy sản ngoài đê bị vỡ bao và ngập hoàn toàn. Trong đó, huyện Giao Thủy là 3.623ha, Hải Hậu 101ha, Nghĩa Hưng 249ha, Xuân Trường 28ha.

Nuôi trồng thủy sản Nam Định trắng tay sau bão
Toàn bộ đầm nuôi tôm của anh Bình bị “xóa sổ”

Chạy dọc theo đường đê ven biển từ xã Hải Lý đến thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), chúng tôi không khỏi xót xa khi tận mắt chứng kiến những bãi đầm nuôi ngao, tôm của người dân bị cơn bão số 10 “xóa sổ”, tan hoang như bãi chiến trường.

Vừa dựng chiếc xe máy trước cửa lều, tôi chưa kịp nói hết câu, vợ anh Nguyễn Nguyễn Văn Bình (xã Hải Lý) đã thốt lên: "Mất hết rồi em ạ! Em ra ngoài bãi biển mà xem, tan hoang không còn gì".

Ngồi thẫn thờ trong căn lều nhỏ, đôi mắt hướng ra bãi đầm nuôi tôm bị tan hoang, anh Bình cho biết: Do ảnh hưởng của cơn bão số 10, toàn bộ 1ha đầm nuôi tôm thẻ chân trắng của nhà anh bị sóng biển đánh vỡ và hư hỏng hoàn toàn. Con giống mới thả vào đầm được hơn 1 tháng đã theo nước biển đi hết.

“Mấy ngày nay, tôi chẳng biết làm gì, chỉ biết ngồi trong lều nhìn ra bãi đầm bị tan tành mà không khỏi xót xa, bao nhiêu tiền của đầu tư vào bãi đầm giờ mất trắng hoàn toàn. Ước tính thiệt hại hơn 400 triệu đồng, chưa biết bao giờ mới gây dựng lại được bãi đầm này”, anh Bình buồn rầu.

Cách đó không xa, bãi đầm nuôi ngao, tôm của hai anh em nhà ông Đông, ông Định (xã Hải Lý) cũng bị sóng biển đánh thiệt hại nhiều, gia đình ông đang tập trung sửa lại những mái đầm bị vỡ nhẹ để nuôi thả con giống trở lại.

“Nhà tôi có tất cả 9 ao, đầm nuôi tôm thẻ chân trắng. Toàn bộ số tôm chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch đã mất trắng hết. Hiện có 4 đầm bị hư hỏng hoàn toàn, còn những đầm khác bị hư hỏng nhẹ, gia đình chúng tôi đang thuê thợ sửa chữa lại. Bước đầu, thiệt hại ước tính trên 500 triệu đồng”, ông Định giãi bày.

Còn gia đình chị Dương Thị Thương (thị trấn Thịnh Long) có khoảng 2.000m2 nuôi tôm thẻ chân trắng cũng bị ảnh hưởng nặng sau bão số 10, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Theo lãnh đạo huyện Hải Hậu, sau cơn bão số 10, toàn huyện có hàng trăm đầm nuôi ngao, tôm ở ven biển bị “xóa sổ” gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Ngoài ra, toàn huyện có 5 trang trại chăn nuôi bị ngập, 20 lán trại chăn nuôi bị sập, tốc mái và bị đổ. Thiệt hại 15ha lúa, 228ha rau màu và 5ha rừng.

Tại huyện Giao Thủy, theo khảo sát của chúng tôi, nhiều đầm nuôi ngao, tôm của người dân ven biển Quất Lâm cũng bị mất trắng hoàn toàn do nước biển dâng cao đột ngột, người dân không xoay sở kịp.

Anh Nguyễn Văn Nhiên (tổ dân phố Cồn Tàu Nam, thị trấn Quất Lâm) cho biết: “Khoảng 10h ngày 15/9, nước biển bất ngờ dâng cao, nhanh chóng tràn nước vào các bãi đầm nên tôm của nhà tôi đã bơi đi hết. Ước tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng”.

Cũng theo anh Nhiên, quanh khu vực này có khoảng 10 đầm cũng bị ngập trắng hoàn toàn, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Ngoài thiệt hại về nuôi trồng thủy sản, trên địa bàn tỉnh Nam Định còn hư hỏng nhiều tuyến đê, bờ kè, lúa, hoa màu, mủng (thuyền đánh cá) do bão số 10 gây ra. Tổng thiệt hại ước toàn tỉnh khoảng 756 tỷ đồng.

MAI CHIẾN

Bình luận

Bản quyền © 2019.