Nguyên nhân và biện pháp phòng tránh cho gà hậu bị đẻ sai kế hoạch
Cập nhật lúc:20/06/2019, 09:31
Hỏi: Xin cho biết nguyên nhân và biện pháp phòng tránh cho gà hậu bị đẻ sớm hoặc muộn hơn quy định?
Trả lời: Thời gian bắt đầu đẻ (tuổi đẻ đầu) được quy định cho từng giống, dòng, phụ thuộc vào hướng sản xuất: Chuyên trứng, kiêm dụng hay chuyên thịt (ví dụ gà Lương Phượng có tuổi đẻ đầu khoảng 145 ngày tuổi; gà AA có tuổi đẻ đầu là 175 ngày). Vì vậy gà mái đẻ sớm hay muộn hơn quy định đều không tốt, vì sẽ ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng trứng giống của chúng đẻ ra sau này.
Nguyên nhân gà hậu bị đẻ sớm hoặc muộn hơn quy định là do dinh dưỡng, chế độ cho ăn và chiếu sáng không hợp lý.
Biện pháp phòng tránh: Để gà đẻ đúng thời gian quy định phải nuôi dưỡng, chăm sóc đúng quy trình của từng giống, đặc biệt là đảm bảo chế độ cho ăn, dinh dưỡng thức ăn và chế độ chiếu sáng phù hợp.
Hỏi: Tại sau khi mua vịt giống cần phải biết rõ nguồn gốc?
Trả lời: Khi mua vịt giống cần phải biết rõ nguồn gốc để đảm bảo chất lượng giống vì: Chỉ nhìn bên ngoài thì không thể biết vịt con có được hưởng gen tốt di truyền từ bố mẹ. Vịt con giống tốt phải từ trứng của đàn giống bố mẹ được nuôi đúng quy trình kỹ thuật; chế độ ấp nở đúng kỹ thuật. Vịt bố mẹ có thể lây truyền một số bệnh cho vịt con qua trứng (phó thương hàn…). Nhiều bệnh truyền nhiễm có thể lây cho vịt con qua trạm ấp, dụng cụ đựng và vận chuyển, từ đó lây bệnh cho nơi nhận vịt giống và đặc biệt có thể truy xuất nguồn gốc khi cần.
Hỏi: Đề nghị chuyên gia cho biết làm cách nào để hạn chế bệnh chổi rồng trên nhãn?
Trả lời: Chổi rồng là một bệnh rất nguy hiểm trên cây nhãn. Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam thì bệnh do vi khuẩn thuộc nhóm Gamma Proteobacteria gây ra. Và được lan truyền bởi nhện lông nhung (Eryophyes dimocarpi). Muốn hạn chế bệnh phải quản lý nguồn bệnh và quản lý nhện lông nhung.
1-Quản lý nguồn bệnh:
- Những vùng thường bị bệnh gây hại nặng, nên trồng giống xuồng cơm vàng, xuồng cơm trắng, giống Edor, là giống không hoặc rất ít bị bệnh gây hại.
- Không chiết cành hoặc lấy mắt ghép từ những cây đã bị bệnh để làm giống.
- Không đưa giống từ những vùng đang bị bệnh sang vùng chưa bị bệnh.
- Vườn đã bị bệnh gây hại nặng, nên thay giống bằng cách ghép giống nhãn không hoặc ít bị bệnh lên gốc nhãn đang bị bệnh.
- Bón đầy đủ và cân đối giữa đạm, lân và kali, chăm sóc chu đáo… để cây nhãn khỏe mạnh, có sức chống đỡ với bệnh.
2-Quản lý nhện lông nhung:
- Không trồng quá dày. Sau khi thu hoạch, cắt tỉa cành bị sâu bệnh, cành già, cành tăm… để vườn thông thoáng.
- Nhổ, thu gom cây rau bồ ngót, cây bóng nẻ trong vườn nhãn, vì đây là ký chủ phụ của nhện lông nhung.
- Vận động những chủ vườn trong khu vực cùng xử lý cho nhãn ra hoa đồng loạt, tránh để vườn nhãn ra đọt non, hoa trái xen kẽ nhau, để hạn chế tình trạng nguồn thức ăn phù hợp cho nhện lông nhung luôn có mặt trong khu vực.
- Phát hiện sớm và cắt bỏ kịp thời những cành nhánh, chùm hoa… bị bệnh (cắt sâu 20 - 30cm) đem tiêu hủy, rồi phun thuốc diệt nhện.
- Dùng vòi tưới có áp lực cao, tia nước vào những nơi có nhiều nhện để rửa trôi bớt nhện.
- Có thể sử dụng một trong những loại thuốc như Tomuki 50EC, Acprodi 28 EC, Sacophos 550EC, Amectinaic 18EC, Silsau 3.6EC, Javitin 36EC, Sulox 80WP, Saromite 57EC… phun vào các thời điểm: sau khi cắt tỉa cành, sau khi cắt bỏ bộ phận bị bệnh, lúc cơi đọt 1, 2 và 3 mới nhú 2 - 3cm, khi phát hoa vừa nhú và sau khi phát hoa nhú khoảng một tuần lễ (có thể pha thêm dầu khoáng với thuốc để tăng hiệu quả). Ngoài những thời điểm trên, nếu thấy mật số nhện cao phải phun thuốc kịp thời.
NGUYỄN VŨ - NGUYỄN HẢI
Bình luận