Nhận biết và xử lý tôm tạp chất
Cập nhật lúc:20/06/2019, 09:44
Tạp chất được đối tượng bơm vào tôm ở cả phần đầu, thân, đuôi nên ta sẽ tập trung vào các vị trí này để xác định tôm có tạp chất hay không.
iệc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu nhằm mục đích gian dối về kinh tế (làm tăng khối lượng, kích cỡ, làm thay đổi kết cấu, lừa dối cảm giác về độ tươi...) diễn ra từ những năm 1990 tại các tỉnh trọng điểm về nuôi, chế biến tôm như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang. Thời gian gần đây, đã xuất hiện tình trạng này tại một số tỉnh, thành phố khác, kể cả Hà Nội.
1. Tại sao “người ta” bơm tạp chất vào tôm?
Trước hết, khi bơm tạp chất vào tôm, đối tượng được hưởng lợi ngay khối lượng tạp chất đưa vào được bán với giá của tôm. Theo các tài liệu kỹ thuật, lượng tạp chất tối đa đưa vào tôm có thể lên tới 10% cá biệt có trường hợp có thể lên tới 20%. Tức là trong 10kg tôm tạp chất, có thể có tới 2kg tạp chất.
Ngoài ra, việc bơm tạp chất vào tôm sẽ làm tôm trông to hơn, cỡ lớn hơn, “mẫu mã” đẹp hơn... người mua nếu không phát hiện sẽ phải trả giá cao hơn so với tôm cùng loại chưa bơm tạp chất. Siêu lợi nhuận từ việc đưa tạp chất vào tôm đã khiến cho tệ nạn này vẫn còn dai dẳng, chưa chấm dứt bất chấp những nỗ lực của các cơ quan chức năng. |
2. Việc đưa tạp chất vào tôm được thực hiện như thế nào?
Các chất được đối tượng sử dụng để bơm chích vào tôm thường là Agar (rau câu), Adao (gelatin), tinh bột, CMC… hoặc có thể là hỗn hợp của các chất trên.
Các hợp chất trên được pha với nước thành các dung dịch sệt để bơm chích vào tôm. Cũng có trường hợp, đối tượng sử dụng tôm nhỏ, giá trị thấp xay nhuyễn để bơm vào tôm giá trị cao.
Việc bơm chích tạp chất vào tôm có thể được thực hiện thủ công qua các bơm kim tiêm, tuy nhiên, cũng có trường hợp, “đầu tư” hệ thống vòi áp lực để thực hiện việc này. Trước đây, chủ yếu phát hiện hành vi đưa tạp chất vào tôm sú cỡ lớn, tuy nhiên hiện nay, các đối tượng bơm chích cả tôm thẻ thậm chí tôm thẻ cỡ nhỏ.
3. Tác hại của tôm tạp chất?
Tác hại đầu tiên đối với người tiêu dùng khi mua phải tôm tạp chất đó là thiệt hại về kinh tế do gian lận thương mại. Người tiêu dùng phải trả tiền nhiều hơn khi mua tôm đã chứa tạp chất.
Ngoài ra, mức độ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng sẽ phụ thuộc vào các phương thức cũng như loại tạp chất được đưa vào tôm. Chủ yếu phương thức đưa tạp chất vào tôm được thực hiện bằng các dụng cụ, phương tiện mất vệ sinh, do đó phần lớn sản phẩm tôm có tạp chất cũng sẽ không đáp ứng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Mặt khác, trường hợp các tạp chất đưa vào tôm là các hoá chất không có tên trong Danh mục các phụ gia, chất hỗ trợ chế biến theo quy định hoặc không được sản xuất chuyên dụng để dùng trong thực phẩm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng.
4. Nhận biết tôm có tạp chất như thế nào?
Để đầy đủ căn cứ xử lý vi phạm, cơ quan chức năng phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật được ban hành bởi Bộ NN-PTNT. Tuy nhiên, để bảo vệ mình và gia đình, chỉ bằng cảm quan các bà nội trợ cũng hoàn toàn có thể dễ dàng nhận biết tôm đã được bơm chích tạp chất như sau:
Tạp chất được đối tượng bơm vào tôm ở cả phần đầu, thân, đuôi nên ta sẽ tập trung vào các vị trí này để xác định tôm có tạp chất hay không.
Tôm có tạp chất phù đầu, giãn đốt, phần thân căng tròn |
a. Quan sát bên ngoài: Quan sát tổng quát toàn thân cho đến chi tiết từng bộ phận bên ngoài của tôm theo trình tự từ đầu đến đuôi, chú ý quan sát phần đầu, thân và đuôi tôm.
- Phần đầu tôm: Tôm đã bị bơm tạp chất thường có phần đầu bị phù, thậm chí nhô lên hẳn so với thân. Nắp mang phồng, ngậm nước.
- Phần thân: Tôm có tạp chất có phần vỏ bụng đốt 1 hoặc đốt 3 (tính từ đầu xuống đuôi) bị trương phồng, ngậm nước, sờ tay vào thấy nổi vẩy.
Đốt thứ 3 bị giãn, thân tôm bị căng, thậm chí căng tròn mất tự nhiên
- Phần đuôi: Dấu hiệu tôm bị bơm tạp chất tại phần đuôi tương đối dễ nhận biết, đó là gai đuôi vểnh, cánh đuôi xòe.
b. Quan sát khi bóc tôm:
Để tiếp tục khẳng định nghi vấn về tôm có tạp chất hay không, ta bóc tôm để kiểm tra:
- Bóc vỏ đầu ức: Cầm tôm dốc đầu xuống dưới, dùng tay bóc vỏ đầu ức tôm để lộ ra phần thịt đầu. Dùng mũi dao nhọn khéo léo lật và gạt khối gạch (gan tụy) lên để làm lộ xoang đầu ức. Quan sát tình trạng xoang đầu ức có đọng chất dịch khả nghi hay không.
- Bóc vỏ thân tôm: Sau khi bóc vỏ thân tôm, cần chú ý quan sát vẻ bề ngoài của thân tôm, đặc biệt ở các đốt thịt thứ 3, 4 và 6 xem có biểu hiện của sự phù nề các đốt cơ hay không. Ở những thân tôm bị bơm tạp chất, có thể thấy rõ các đốt cơ bị phù nề không tự nhiên. Đối với tôm bị bơm nhiều tạp chất, dùng kim châm vào vị trí bụng hay lưng đốt cơ bị phù nề và lấy tay nặn có thể thấy tạp chất đùn ra. (Còn nữa)
Bình luận